Mong con trở thành người bình thường và tử tế

Trong bối cảnh xã hội 4.0, những đứa trẻ càng cần học kỹ năng làm người bình thường với ý thức trách nhiệm và đạo đức, sau đó mới từng bước tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật. Chỉ có như vậy các con mới có đủ cảm xúc và đam mê, thăng hoa với chính lựa chọn và công việc phù hợp năng lực bản thân mà không cảm thấy tự ti, lo lắng.
Mong con trở thành người bình thường và tử tế

LTS:  Những ngày qua, liên tiếp xảy ra các trường hợp học sinh tự tìm lối thoát trước những áp lực bằng cái chết. Nỗi ám ảnh và day dứt với người ở lại không chỉ là sự ra đi bất ngờ của các em mà còn là những dòng chữ tạm biệt và trang nhật ký trĩu nặng cô đơn, tuyệt vọng để lại. Trong nhiều ý kiến gửi đến Báo SGGP, các bậc cha mẹ đã chia sẻ góc nhìn quanh vụ việc này cũng như cách mà họ đã đồng hành cùng con, định hướng cho con trong bước đường con trưởng thành.

Dạy con ý thức trách nhiệm và đạo đức

Cuộc sống hiện đại ngày nay thời gian các thành viên trong gia đình dành cho nhau ngày càng ít đi. Không khó bắt gặp hình ảnh những ông bố, bà mẹ chở con ngoài đường, phía sau yên xe đứa trẻ ăn vội cái bánh bao, cơm hộp. Nhiều phụ huynh tự hào khoe với nhau lịch học thêm dày đặc của con nhưng không nhận ra rằng để hoàn thành lịch học đó đứa trẻ sẽ mệt mỏi, bơ phờ, trở thành những chú gà công nghiệp chỉ biết học và học.

Bản thân tôi có 3 đứa con gái đang theo học ở 3 bậc học khác nhau. Tôi luôn quan niệm bố mẹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện cho con phát triển một cách bình thường chứ không áp đặt cho các con một khuôn mẫu nào vì mỗi đứa trẻ có một khả năng khác nhau.

Ngoài việc học, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc dạy con các kỹ năng khác trong cuộc sống như cách chào hỏi, quan tâm sức khỏe người thân trong gia đình, cách xử lý khi gặp sự cố điện, nước trong nhà, cách chọn thực phẩm phù hợp… Mỗi ngày sau giờ tan học, trên đường về nhà tôi luôn hỏi con hôm nay ở trường có gì vui không, ăn được món gì, thích nhất hoạt động nào với các bạn. Có thể đó là những câu chuyện không đầu không cuối nhưng là sợi dây gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái, giúp bố mẹ có thể hiểu con mình nhiều hơn.   

Còn nhớ khi con gái đầu lên năm thứ ba đại học, nghe con chia sẻ về dự định đổi ngành học dù kết quả học tập ba năm trước đó đều rất tốt, tôi đã vô cùng “sốc”. Qua hai đêm trằn trọc, kiên nhẫn lắng nghe những suy nghĩ, chia sẻ của con, tôi nhận ra con hiểu được bản thân cần gì. Kết quả học tập tốt không đồng nghĩa đó là lựa chọn phù hợp. Tương lai là của con và con có quyền lựa chọn, suy nghĩ riêng về cuộc đời mình. Tôi tôn trọng lựa chọn đó bởi hạnh phúc của con quan trọng hơn mọi lựa chọn. Tôi đồng tình với quan điểm con cái là cánh tay nối dài của bố mẹ nhưng không có nghĩa bố mẹ có thể bắt con làm thay ước mơ của mình. Thay vào đó, các con cần được rèn tính tự lập, cảm thấy vui và thoải mái khi được học tập và làm việc dù trong hoàn cảnh nào. Tôi mong con trở thành một người bình thường nhưng tử tế chứ không cần phải đạt thành tích này nọ mà không biết cách đối nhân xử thế. Để làm được điều đó, tôi và các con không cần đi quá nhanh vì khi đó con không còn là chính con nữa. Thay vào đó, bố mẹ và con cái chỉ cần đi từng bước thật chậm nhưng chắc chắn. 

Trong bối cảnh xã hội 4.0, những đứa trẻ càng cần học kỹ năng làm người bình thường với ý thức trách nhiệm và đạo đức, sau đó mới từng bước tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật. Chỉ có như vậy các con mới có đủ cảm xúc và đam mê, thăng hoa với chính lựa chọn và công việc phù hợp năng lực bản thân mà không cảm thấy tự ti, lo lắng. 

Trần Lan Phương
(Phụ huynh có con đang học một trường tiểu học ở quận 1, TPHCM)

Cho trẻ học cách đối mặt với khó khăn

Một cô giáo ở quận Phú Nhuận (TPHCM) trải lòng với tôi rằng, ngày xưa ở lứa tuổi những đứa trẻ bây giờ, thầy cô và bố mẹ các em cũng trải qua rất nhiều áp lực, ám ảnh đến mức ra trường đi làm rồi thỉnh thoảng vẫn chiêm bao mình đi thi không kịp giờ, cô gọi lên bảng không thuộc bài hoặc “trật tủ” khi bước vào phòng thi. Nhưng không ai trong số đó nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời vì nhận thức được vượt qua cực khổ mới có thể thành công. Một thầy giáo ở quận 3 chia sẻ, người lớn thuộc thế hệ 7X, 8X ai cũng từng trải qua cảm giác nghẹt thở khi dò kết quả thi đại học. Song, áp lực như liều vaccine giúp đứa trẻ trưởng thành hơn, có thêm sức đề kháng chống chọi với vô vàn áp lực trong cuộc sống sau này. 

Như vậy, áp lực học hành là có thật và thời nào cũng có. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, thông tin mạng và các trào lưu thịnh hành trên Facebook, YouTube chi phối khá nhiều về quan điểm và cách sống của trẻ. Nếu chúng được dạy thái độ sống tích cực, biết cách làm chủ bản thân, sẵn sàng tìm trợ giúp khi gặp khó khăn thì áp lực sẽ trở thành động lực giúp các em vững vàng hơn.

Ngành giáo dục nhiều năm qua đã có chủ trương “Học, học nữa, học mãi”, tức việc học là trọn đời; kết quả học tập ở trường chỉ là một trong những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Thực tế chứng minh nhiều học sinh tốt nghiệp trường chuyên, lớp chọn ra đời làm việc không có khả năng vượt trội, ngược lại nhiều em kết quả học tập bình thường nhưng nhờ có ý thức và bản lĩnh tốt, học cách đứng lên từ những thất bại sau cùng vẫn thành công. Và, thay cho việc than thở chương trình học hiện nay quá tải, áp lực thi cử quá nặng nề thì hơn ai hết nên giúp những đứa trẻ hiểu rằng học tập chỉ là phương tiện - không đi được bằng cách này thì có nhiều cách khác để đi, chứ không phải mục tiêu duy nhất của cuộc đời chúng. Vốn dĩ cuộc đời không có giới hạn, trẻ con hay người lớn đều có quyền sai và làm lại, hướng đến mục tiêu sau cùng là hạnh phúc và thành công. 

Để không có thêm những câu cảm thán bắt đầu bằng hai chữ “giá như”, cả trẻ con hay người lớn đều cần học cách đối mặt với khó khăn. Và trong hành trình đó, sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình là tường rào vững chãi nhất giúp những đứa trẻ hoàn thiện và trưởng thành.           

Minh Quân (quận Gò Vấp, TPHCM) 

Tin cùng chuyên mục