
Người ta thường nói hạnh phúc có thể giống nhau nhưng bất hạnh thì mỗi người mỗi kiểu. Nỗi bất hạnh của thầy Dương Ngọc Hùng (327 Hai Bà Trưng TP Pleiku tỉnh Gia Lai) ập đến quá bất ngờ, kéo dài suốt 13 năm, và không biết sẽ còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa…

Thầy Hùng trong cảnh bệnh tật.
Nhìn một người bệnh, mù lòa suốt ngày lang thang ngoài đường, ít ai biết được đấy là một người thầy với những năm tháng miệt mài đèn sách. Năm 1987, thầy Hùng tốt nghiệp khoa Toán, Trường ĐHSP Qui Nhơn. Sau khi ra trường, thầy về giảng dạy tại Trường Trung học Sư phạm Mầm non Gia Lai. Một thầy giáo trẻ, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, luôn năng động và sáng tạo trong công tác, thầy được đồng nghiệp và học trò rất mực yêu mến. Những tưởng tương lai đang rộng mở phía trước, vậy mà một căn bệnh ập đến bất ngờ, đưa cuộc đời thầy rẽ sang một con đường khác.
Vào đầu năm 1992, thầy được phân công về dạy lớp cấp tốc sư phạm ở huyện. Dạy được một tuần thì tự nhiên thầy thấy đau đầu. Thầy bỏ dạy, đón xe về nhà. Về đến nhà, thầy không nhận ra người thân. Đến chiều tỉnh lại thầy mới kể triệu chứng đó cho người nhà nghe. Những hôm sau đó thầy cứ lấy sách trong tủ ra xé, sau ba tháng thì tủ sách hàng ngàn cuốn được chắt chiu trong cả một quãng đời đi học không còn cuốn nào.
Theo lời kể của ông Dương Hòn - cha thầy Hùng - khi thầy phát bệnh và không đi dạy nữa, ngành giáo dục có giải quyết chế độ nghỉ việc cho thầy. Gia đình dùng số tiền đó đưa thầy xuống Qui Nhơn chữa trị được 6 tháng thì hết tiền nên phải đưa về nhà. Từ đó đến nay đã 13 năm rồi thầy chưa một lần được chữa trị, bệnh tình ngày càng trầm trọng, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, mệt đâu ngủ đó. Hiện gia đình quá khó khăn nên không thể chữa trị cho thầy. Thầy Hùng là anh cả trong một gia đình có 9 anh em, cha mẹ đã già yếu nên thu nhập gia đình trông chờ vào các em đi buôn bán lặt vặt.
Trong thời gian thầy Hùng mới bị bệnh, đồng nghiệp và bạn bè thỉnh thoảng đến thăm và có giúp đỡ ít nhiều nhưng đến giờ, rất ít người còn nhớ và nhận ra thầy nữa. Đến thăm thầy, thấy trên giường vẫn để cuốn sách Lượng giác và một cuốn sách tiếng Anh. Biết đâu trong sâu thẳm ký ức của thầy vẫn còn hình ảnh của những tháng ngày miệt mài sách vở với những mái trường và học sinh thân yêu?
Gia đình và cả những học sinh của thầy đều chung một niềm mong ước thầy sẽ nhận được sự trợ giúp của những tấm lòng hảo tâm và sự quan tâm chăm sóc của các chuyên gia ngành y. Họ hy vọng một ngày nào đó thầy có thể quay lại với bục giảng, hay chí ít là quay lại với cuộc sống bình thường.
ĐẶNG VĂN VŨ