Học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2020:

Mong ước của người truyền lửa

Buổi sáng cuối tuần, các bác sĩ trẻ, sinh viên ngành y dược từng được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã hẹn nhau đến thăm gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc, mạnh thường quân ủng hộ tài chính giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập, thực hiện ước mơ khoác áo blouse trắng, trong hơn 10 năm qua. 

Món quà may mắn bất ngờ

Căn nhà nhỏ giản dị, sạch sẽ nằm trong một con hẻm ở đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TPHCM) rộn rã tiếng cười của các bạn trẻ. Có người đã đến đây tới lần thứ 4, có người chỉ mới đến lần đầu, tất cả đều chung thái độ biết ơn và háo hức được gặp bà lão hơn 90 tuổi, mà họ quen gọi thân thương là bà Năm Quấc. 

Khi bác sĩ Tạ Trung Quấc qua đời vào năm 2007, vợ ông, bà Thu Cúc (thường gọi là bà Năm Quấc), qua giới thiệu của cố GS-TS-Viện sĩ Dương Quang Trung, đã đến với Báo SGGP trao gửi tâm nguyện lúc sinh thời của chồng, là giúp đào tạo cho quê hương Việt Nam 100 bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu y đức, thông qua việc ủng hộ vào Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng (do Báo SGGP sáng lập, giúp sinh viên ngành y khó khăn).

Đến nay đã có trên 100 sinh viên được chắp cánh ước mơ khoác áo blouse trắng từ nguồn tài trợ này. Trong đó, gần 60 em đã tốt nghiệp, trưởng thành; không ít người thành đạt trong công tác chuyên môn cũng như ở vị trí quản lý, góp phần xây dựng và phát triển nền y tế nước nhà.

Mong ước của người truyền lửa ảnh 1 Thành viên CLB MedSeeds gồm các bác sĩ, sinh viên đã và đang nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng đến thăm bà Tạ Trung Quấc
Tại buổi gặp gỡ, các bác sĩ trẻ đã thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, giúp đỡ mà bà Năm Quấc đã dành cho các sinh viên nghèo suốt những năm tháng miệt mài ở giảng đường đại học. Sự hỗ trợ về tài chính, động viên về tinh thần đã giúp các bạn vượt qua khó khăn, ngay cả những lúc chỉ còn muốn bỏ cuộc.

Bác sĩ Lai Khánh Vân, hiện đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ, kể: “Tình cờ nghe bạn bè kể về hoạt động của Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, đúng lúc gia đình đang gặp khó khăn, tôi làm đơn đăng ký xin hỗ trợ. Học bổng 6 năm liền từ nguồn tài trợ của gia đình bác sĩ Tạ Trung Quấc đến như một món quà may mắn bất ngờ, tôi có tiền để đóng học phí và mua tài liệu, sách vở phục vụ cho việc học tập. Không chỉ vậy, tôi còn học hỏi được nhiều điều, có thêm góc nhìn, kinh nghiệm để tiếp tục theo đuổi ngành y, từ các bác sĩ tài đức là thành viên hội đồng quản lý quỹ, các mạnh thường quân luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực ngành y tế nước nhà, đặc biệt là bà Năm Quấc”.

Mong giữ nghề cao quý 

Tại buổi trò chuyện, bà Năm Quấc xúc động kể về cuộc đời, nhân cách và tài năng của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, cho các bạn sinh viên nghe. Bà chân thành căn dặn: “Nhận học bổng, các cháu phải tìm hiểu và ghi nhớ người đã khởi xướng, đặt nền móng cho quỹ học bổng có ý nghĩa nhân văn này”.

Các bạn cũng đặt rất nhiều câu hỏi về cách ứng xử trong môi trường y tế, về kinh nghiệm sống và được bà Năm Quấc chỉ dạy tận tình. Bà nhắn nhủ các bạn đã ra trường, hiện đang công tác, trước tiên cần có tấm lòng nhiệt huyết, thấu hiểu, cảm thông để truyền sự tin tưởng, an tâm cho bệnh nhân. Bà khuyên các bạn sinh viên yên tâm học tập, cố gắng rèn luyện, tiếp tục hăng say theo đuổi ước mơ của mình. Bà Năm chỉ mong các bạn đã theo nghề y thì phải luôn làm việc với tâm niệm “lương y như từ mẫu”, bởi nghề y là một nghề cao quý.

Bác sĩ Nguyễn Lê Huy Anh, đang công tác tại Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết: “Thời điểm được nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng toàn khóa (2010-2016), tôi được hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để tiếp tục con đường học tập, theo đuổi đam mê làm bác sĩ. Tôi đã thật may mắn, nên giờ đây tôi vẫn thường xuyên động viên các bạn sinh viên trong nhóm hãy nỗ lực học tập để không phụ lòng mong mỏi của những người đã dày công giúp đỡ mình”.

Đối với bà Năm Quấc, hàng bao tỷ đồng chắt góp ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng giúp sinh viên ngành y dược khó khăn trong hơn 10 năm qua, bà không nhớ hết được. Vậy mà buổi họp mặt năm nào bà cũng nhắc đến các bạn đã tốt nghiệp ra trường nhận công tác xa. Đó là Sơn Phúc Duy (Y09 ĐH Y Dược TPHCM, quê Trà Vinh), hàng năm đều gọi chúc tết bà đúng thời khắc giao thừa; Hồng Thị Biên (Y10 ĐH Y Dược, quê Đắk Nông), mỗi bước ngoặt lớn trong đời như kết hôn, sinh em bé đều đưa gia đình nhỏ của mình đến báo cáo và chung vui với bà, và nhiều gương mặt thân thương khác nữa.

Nhắc đến họ, bà lại nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt ngập tràn niềm hạnh phúc vô biên: “Vậy là bà đã làm tròn lời hứa với ông Năm. Bà mong các cháu giữ liên lạc với nhau qua Câu lạc bộ MedSeeds vừa thành lập, cùng góp sức tiếp tục phát triển Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng. Các cháu sẽ thay ông bà, cô chú chăm lo cho lớp đàn em kế tiếp”.

Chia tay khi đã giữa trưa, Phan Thanh Thanh Vân (bác sĩ Bệnh viện Quận Thủ Đức) còn tranh thủ ghé tai bà, nói nhỏ: “Tụi con đã trưởng thành và luôn sẵn sàng tiếp sức cho các em nhỏ. Bà Năm chỉ cần sống vui, sống khỏe để tụi con an tâm tìm đến mỗi lúc nhớ bà, hay những khi cần một lời khuyên”. 

Đáp lời Vân là một cái nheo mắt và nụ cười hồn hậu của bà lão đẹp từ cốt cách đến tinh thần.

Học bổng Nguyễn Văn Hưởng được xét trao cho sinh viên y dược có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thành tích học tập tốt. Từ năm học 2020-2021, học bổng được trao theo hình thức toàn khóa, đảm bảo duy trì suốt 6 năm đại học với điều kiện sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn về học lực, hạnh kiểm và tích cực tham gia công tác xã hội sau mỗi năm học. Có 2 mức học bổng: mức tiêu chuẩn 25 triệu đồng/năm và mức hỗ trợ 15 triệu đồng/năm.

Hồ sơ gồm: Đơn xin xét học bổng (có đầy đủ số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, tạm trú); bản sao khai sinh; bản sao hộ khẩu; đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú); giấy báo trúng tuyển đại học.

Hồ sơ nộp tại Phòng Công tác học sinh - sinh viên của 2 trường ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoặc Ban Công tác bạn đọc - Chương trình xã hội Báo SGGP, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; điện thoại: (028) 39294075. Nhận hồ sơ đến hết ngày 30-10-2020.

Tin cùng chuyên mục