“Một cách nhìn”- Say mê văn hóa Việt

“Một cách nhìn”- Say mê văn hóa Việt

Isabelle Aragon đã triển lãm bộ ảnh của mình vào ngày 25-3 tại IDECAF. Đó là một bộ ảnh chụp chân dung, cảnh sinh hoạt của những người dân tộc thiểu số Việt Nam ở vùng núi phía Bắc. Isabelle đặt cho triển lãm của mình cái tên “Một cách nhìn”, thể hiện đúng quan điểm của bà về bộ ảnh này. “Chỉ là “cách nhìn” của một người phụ nữ Pháp đến Việt Nam, đem lòng yêu mến đất nước, con người và đã quyết định sống, làm việc ở nơi đây...” – Isabelle Aragon tâm sự.

“Một cách nhìn”- Say mê văn hóa Việt ảnh 1

Bà Isabelle Aragon với những bức ảnh về Việt Nam trong triển lãm tại Idecaf mang tên “Một cách nhìn”. Ảnh: AN DUNG

Isabelle Aragon sinh năm 1957, quốc tịch Pháp, là tiến sĩ văn hóa học, chuyên nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Bà chỉ mới chính thức sống và làm việc tại Việt Nam từ tháng 8 năm 2007, nhưng cách đây 20 năm người phụ nữ Pháp này đã từng ngang dọc khắp đất nước Việt Nam.

Bà cũng từng làm biên tập cho nhiều tạp chí nói về châu Á, đặc biệt là về Việt Nam, viết nhiều bài báo về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Isabelle biết đến Việt Nam ngay từ khi còn là một cô sinh viên Đông phương học. Những bài học về Việt Nam khiến bà tò mò.

“Lần đầu tiên đến Việt Nam tôi đã rất hồi hộp. Tôi không biết cái đất nước mà mình đã được biết qua sách vở có khác gì so với thực tế hay không. Rất mừng là tôi không bị thất vọng. Nét truyền thống, văn hóa của Việt Nam, phong cảnh Việt Nam, những di sản được lưu giữ... cũng giống như những gì tôi mường tượng. Và bạn thấy đó, tôi đã quyết định ở lại đất nước này để được khám phá thêm những nét quyến rũ của nó”.

- Bà đã đi bao nhiêu tỉnh thành ở Việt Nam?

Ồ, nhiều lắm, bây giờ chỉ nên hỏi, còn nơi nào ở Việt Nam tôi chưa đi? Đó là Cà Mau và Điện Biên Phủ.

Mỗi năm Isabelle lại làm một cuộc du lịch đến các vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Bà tự hào khoe: “Có những chuyến đi, tôi đã trở thành hướng dẫn viên cho bạn bè vì sự hiểu biết của mình về đất nước, phong tục tập quán của các bạn”.

- Bà yêu thích nơi nào nhất ở Việt Nam?

Thật khó để có thể trả lời thích nơi nào nhất. Có lẽ là Đà Lạt và Huế. Nhưng tôi có thể nói văn hóa miền Bắc Việt Nam luôn cuốn hút tôi. Đó là nét truyền thống còn được lưu giữ ở khắp nơi. TPHCM đang phát triển theo hướng hiện đại, nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên và các bạn thích điều đó, nhưng tôi thì vẫn thích những kiến trúc cổ hơn. Nó mang dấu ấn của lịch sử, của quá khứ. Tiếc rằng những kiến trúc cổ đó đã không được gìn giữ, bảo tồn để cho xuống cấp...

Có lẽ vì yêu mến đất nước này nên Isabelle đã trở thành một nhiếp ảnh gia không chuyên. Gần 20 năm đã giúp Isabelle Aragon giữ lại trong tập ảnh cả ngàn bức ảnh đẹp các thể loại (phong cảnh, muôn thú và hoa cỏ, chân dung của dân tộc người Kinh và nhiều đồng bào thiểu số, những sinh hoạt đồng áng và thành thị…).

Bà cho biết đã thực hiện nhiều triển lãm ảnh về phong cảnh, con người Việt Nam tại Paris và vùng lân cận: “Tại các cuộc triển lãm, đã có rất nhiều lời nhận xét. Nhiều người cho biết những bức ảnh khiến họ xúc động và muốn đến Việt Nam”.

- Xin bà cho biết một chút về triển lãm “Một cách nhìn” lần này của bà?

Đây là những bức ảnh tôi tình cờ chụp trên đường đi công tác. Tôi có được những tình cảm tốt đẹp với các nhân vật trong các bức ảnh của mình. Họ đã mời tôi đến nhà, ăn uống, trò chuyện. Thực sự, đó là những bức ảnh không có chủ đích... Chính vì vậy nó chỉ là “một cách nhìn” của tôi.

- Thích chụp ảnh như vậy, bà có biết nhiếp ảnh gia nào của Việt Nam hay không?

Tôi đã được gặp nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ vài lần. Có một lần tôi đến Buôn Mê Thuột tham dự lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên. Tôi được xem một triển lãm ảnh. Chỉ có 30 bức ảnh đen trắng nhưng tôi đã đứng suốt 2 giờ đồng hồ và chụp lại chúng. Tôi thực sự ấn tượng. Việt Nam có nhiều nhà nhiếp ảnh đặc sắc.

- Còn mối quan hệ với giáo sư Trần Văn Khê?

Khi tôi còn làm cho một tờ báo, tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với giáo sư Trần Văn Khê. Sau đó, tôi còn gặp ông một vài lần ở Việt Nam. Chúng tôi trở nên thân thiết. Giáo sư không chỉ là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống của Việt Nam mà ông còn là một nhà văn hóa. Ông đã giúp tôi hiểu thêm nhiều về đất nước các bạn.

- Lưu giữ bà ở lại đây không chỉ có đất nước, văn hóa, phong cảnh mà dường như còn điều gì khác nữa?

Đầu tiên là đất nước là văn hóa, sau đó là con người. Cách đây nhiều năm, khi sang Việt Nam tôi có nhận một cô bé làm con nuôi. Cô bé ấy cùng những trẻ em mồ côi được một tổ chức nhân đạo do 2 người Pháp gốc Việt chăm sóc. Năm ấy cô bé lên 9, còn bây giờ cô đã 27 tuổi. Việc nhận nuôi một đứa trẻ cũng chính là cách để tôi tạo một mối liên hệ đối với đất nước Việt Nam, để tôi có ý thức quay về Việt Nam nhiều hơn...

* Giáo sư Trần Văn Khê, đã nói về triển lãm của bà như sau: “Isabelle đã tuyển lựa 45 bức trong số hình cô đã chụp từ lúc cô đến thường trú tại Việt Nam. Những hình ảnh Isabelle triển lãm hôm nay được chọn lựa không dựa trên tánh cách tuyệt vời về mặt kỹ thuật hay nghệ thuật. Mà hình ảnh ấy, theo tôi, chính là kết quả của “một cách nhìn “ của một người say mê nước Việt, không khơi gợi khía cạnh hấp dẫn về mặt du lịch, mà là gương mặt và tình cảm thầm kín của người được chụp ảnh trong cuộc sống hàng ngày”.

Isabelle hiện đang là giám đốc truyền thông của Viện Phát triển Việt Nam – Thái Bình Dương, ngành tìm kiếm và nghiên cứu các loại cây thuốc.

Bao nhiêu năm qua, bà vẫn giữ nguyên một tình yêu nồng nàn đối với Việt Nam.

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục