"Một cõi đi về" trong lòng người xa xứ

Nhạc Trịnh Công Sơn luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt ở nước ngoài. Không chỉ chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, mà đây đó trong cộng đồng, giữa cơn mê say nhạc Trịnh triền miên này, người ta vẫn nỗ lực tổ chức những đêm tưởng nhớ, các buổi hội ngộ, để nhạc sĩ tài hoa vẫn có riêng “một cõi đi về”.

Nửa thập kỷ trước, tại nhà hàng Heritage trên đường Frankfurter Allee ở Berlin, sau 16 năm qua đời, Trịnh Công Sơn đã có “một cõi đi về” trong lòng người yêu nhạc tại Đức. Ca sĩ cộng đồng Khánh Huyền, một người Việt tại Berlin đã đứng ra cùng bạn bè tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn vào ngày 2-4-2017.

Nhiều giọng hát cộng đồng và khán giả yêu nhạc Trịnh từ các thành phố như Leipzich, Halle, Magdeburg... đã về Berlin dự sự kiện này. Đêm nhạc giới thiệu gần 30 ca khúc của họ Trịnh và kết thúc ngọt ngào trong dư âm ca khúc Nối vòng tay lớn. 

Có ngờ đâu, vài năm sau biết bao biến cố đã xảy ra, đặc biệt là đại dịch Covid-19, ước ao của những người tổ chức và tham dự chương trình năm ấy rằng sẽ cùng làm thêm các đêm nhạc Trịnh Công Sơn lần thứ 2, rồi lần thứ 3, 4, 5... bị gián đoạn.

Khánh Huyền kể: “Tôi không phải ca sĩ chuyên nghiệp, chỉ là người thích và biết hát chút thôi. Lần đầu cùng ê kíp làm chương trình nhạc Trịnh, lại được cộng đồng đón nhận và khuyến khích như vậy nên rất cảm động. Ước mong mỗi năm tổ chức được một lần vẫn còn đó”.

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ! Đúng tinh thần câu hát trong bài Mưa hồng, thời điểm trước Covid-19, Báo Quê Việt và CLB yêu nhạc tại Ba Lan đã thực hiện được đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn vào 31-3-2019 với sự tham gia của nhiều ca sĩ cộng đồng. Ca sĩ Lệ Quyên tại Pháp cũng được ban tổ chức mời sang biểu diễn.

Nhớ lại sự kiện này, ông Lê Xuân Lâm, Tổng thư ký Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, chủ bút Báo Quê Việt, tâm sự: “Từ khi Trịnh Công Sơn qua đời, hầu như vào dịp cuối tháng 3, hoặc đầu tháng 4 hàng năm, chúng tôi đều tổ chức chương trình tưởng nhớ. Đặc biệt các năm chẵn như 5 năm, 10 năm và 15 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, chúng tôi đều đầu tư dàn dựng chương trình công phu và hoành tráng. Đối với người xa xứ, nhạc Trịnh còn là nơi để gửi gắm tình cảm hướng về cội nguồn. Cá nhân tôi rất thích bài Một cõi đi về, những lời ca như Đôi chân ta đi sông còn ở lại hoặc Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà... thấm thía lắm”.

"Một cõi đi về" trong lòng người xa xứ ảnh 1 Ông Lê Xuân Lâm và ca sĩ Lệ Quyên trong đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn vào 31-3-2019 tại Ba Lan

Nhóm Facebook “Quán Trịnh ca PL” cũng do ông Lê Xuân Lâm và bạn bè lập ra hơn 10 năm nay, là diễn đàn chung cho người yêu nhạc Trịnh ở nước ngoài, chứ không chỉ riêng tại Ba Lan. Từ năm 2020 tới nay, đây là nơi tổ chức các sự kiện tưởng nhớ Trịnh Công Sơn online do Covid-19 không thể hội ngộ trực tiếp. Riêng dịp này năm ngoái, tròn 20 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn, các ca sĩ cộng đồng tự tập bài, tự thu rồi quay video gửi lên diễn đàn này chia sẻ.

Theo tinh thần lan tỏa tự nguyện như vậy, họ đã cùng Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Ba Lan, Báo Quê Việt, làm nên chương trình Em còn nhớ hay em đã quên kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ, thu hút gần 4.000 lượt người xem trên mạng. Giữa những tháng năm mệt mỏi vì cách ly và mất mát vì đại dịch, có nơi để được chìm đắm vào phút giây êm đềm ngọt ngào Tình ngỡ đã phôi pha/Nhưng tình vẫn còn đầy/Người ngỡ đã đi xa/Nhưng người vẫn quanh đây như một liều thuốc tốt lành cho tâm hồn, cần thiết và quý giá.

Cũng trong tháng 3 này, nhiều nước châu Âu công bố dỡ bỏ các hạn chế để từng bước mở cửa, quay trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Đây là tin tốt lành cho những người yêu nhạc Trịnh bởi mong ước hội ngộ trực tiếp trong không gian ắp đầy nhạc Trịnh sẽ thành hiện thực sau 3 năm gián đoạn.

Dự kiến vào 19 giờ tối thứ sáu 1-4-2022 tại Hội trường Nhà hàng Vân Bỉnh, Grójecka 80/102 - Warszawa, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại Ba Lan sẽ tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ 21 năm ngày Trịnh Công Sơn qua đời.

Tin cùng chuyên mục