Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2

Một cười - mười thuốc

Thầy thuốc vừa là nhà văn hóa, đó là một hiện tượng phổ biến rất đáng quý. Đại văn hào Tchekov (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc) trước khi là nhà văn đã là thầy thuốc. Ở Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh cũng vừa là danh y vừa là nhà thơ. Trong cuộc sống hiện đại, thầy thuốc hoạt động văn hóa đông đảo. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), xin giới thiệu hai thầy thuốc - họa sĩ biếm.
Một cười - mười thuốc

Thầy thuốc vừa là nhà văn hóa, đó là một hiện tượng phổ biến rất đáng quý. Đại văn hào Tchekov (Nga), Lỗ Tấn (Trung Quốc) trước khi là nhà văn đã là thầy thuốc. Ở Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh cũng vừa là danh y vừa là nhà thơ. Trong cuộc sống hiện đại, thầy thuốc hoạt động văn hóa đông đảo. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), xin giới thiệu hai thầy thuốc - họa sĩ biếm.

Một cười - mười thuốc ảnh 1

Tiến sĩ dược học – họa sĩ Nguyễn Hữu Đức:
Vẽ để được cười…

Vẽ biếm họa từ năm 1979, tranh đăng trên nhiều báo, với nét cọ chân phương đã trở nên khá quen thuộc với người xem, từng được chọn tham gia triển lãm biếm họa ở Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ…, họa sĩ Đức, tên thật Nguyễn Hữu Đức, Tiến sĩ dược học, hiện là giảng viên Đại học Y-Dược TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với vị thầy thuốc mê vẽ này.

- Từ đâu anh đến với biếm họa?


- Hồi nhỏ tôi rất thích vẽ, nhồi đất sét nặn tượng… được đám bạn học khen đẹp, rất khoái nên vẽ hoài quen tay…

- Vậy là có năng khiếu hội họa, sao lại thi vào trường thuốc?

- Lúc đó tôi học cũng khá, nên thi vào hai trường Dược và Nông Lâm Súc đều đậu, tôi chọn học dược vì thời gian học dài đến 5 năm không phải đi lính, lại có một nghề nghiệp ổn định… Chứ với hội họa thì tôi không thể hình dung được tương lai mình sẽ ra sao.

- Sinh viên trường Dược học với ông thầy có máu hài hước như thế nào?

- Tôi thấy hình như các em có vẻ thích, khi kèm theo bài giảng của tôi là những bức minh họa vui, nhất là những tiết về lục phủ ngũ tạng và rối loạn… cương!

- Biếm họa khó tránh khỏi đụng chạm, anh chắc…

- Quả vậy, vui thì có vui, nhưng được nhắc khéo cũng không ít, nhất là tôi lại đang công tác trong ngành giáo dục, ngành khá nhạy cảm với đề tài biếm họa. Đã có lần nhìn nhầm một bức tranh của họa sĩ khác, có vị đã nhắc tôi “Đừng có mà vạch áo cho người xem lưng!”.

- Chắc chắn biếm họa có mang lại điều gì đó, Hữu Đức mới vẽ miệt mài…

- Niềm vui lớn nhất là cảm nhận được sự đắc chí, đồng cảm của nhiều người khi xem những bức biếm của mình cười vào những cái xấu, tiêu cực còn tồn tại! Vẽ còn giải tỏa được những bức xúc, được cười…

Bác sĩ - họa sĩ biếm Xuân Trung:
Cười góp phần chữa... bệnh

Sinh năm 1967 tại Hàm Tân, Bình Thuận, tốt nghiệp Y khoa năm 1996, bác sĩ trẻ Phạm Xuân Trung về công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. “Bệnh viện mang tên nhà khoa học lớn họ Phạm, mình họ Phạm về đây là hay quá!”. Được đi tu nghiệp ở châu Âu, Xuân Trung do say mê y học hiện đại để góp phần chữa bệnh cho bà con cô bác nghèo đã tham gia không mệt mỏi những chương trình của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Phạm Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y khoa MEDIC, Xuân Trung tham gia quản lý mạng thông tin MEDINET của Sở Y tế TPHCM. Anh tích lũy kinh nghiệm và cho ra đời web site y khoa gây ấn tượng trong giới y khoa cả nước.

Sau đó Xuân Trung xây dựng một web site riêng, chuyên ngành y khoa với tên gọi YKHOANET (www.ykhoanet.com và www.ykhoa.net) có ảnh hưởng tốt. Từ năm 2002, nhận thấy nhu cầu điện toán trong ngành y, bác sĩ Xuân Trung thành lập Công ty Phát triển điện toán y khoa Hoàng Trung, sản xuất các chương trình phần mềm và web site chuyên ngành y khoa.

Bận rộn là vậy, bác sĩ Xuân Trung vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. 5 năm nay, tuần nào anh cũng tham gia giảng dạy khóa học “Tư duy tích cực” (Positive Thinking) của Chương trình Giáo dục các giá trị sống (Living Values-An Education Programme) do UNESCO tổ chức….

Tất cả vì cộng đồng! Điều đó khiến một bác sĩ, một nhà y học… phát huy được khả năng, sở thích của mình - vẽ biếm họa. Năm 1985 xã hội dấy lên phong trào chống tiêu cực. Báo Tuổi trẻ Cười ra đời và bác sĩ Xuân Trung tích cực tham gia.

Bác sĩ-họa sĩ biếm họa Xuân Trung đoạt giải nhì cuộc thi toàn quốc vẽ… mèo với tác phẩm chống uống rượu, bia (1986); giải nhất cuộc thi toàn quốc về… cọp với tác phẩm chống tham nhũng (1987); và có hàng ngàn tác phẩm biếm họa trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động… Ngoài việc tham gia hầu hết các triển lãm biếm họa, anh còn là một họa sĩ thành công trong các chân dung biếm họa…

- Tác phẩm nào anh ưng ý nhất?

- Như người ta thường nói đó là tác phẩm chưa sáng tác. Cho đến nay, với Trung tác phẩm tâm đắc nhất là “50 câu hỏi thường gặp của các bạn trẻ về HIV/AIDS” (xuất bản 1997) do bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chủ biên.

Bác sĩ Phạm Xuân Trung, họa sĩ biếm Xuân Trung có thân hình to cao, dáng đứng thẳng như cây thông, cây tùng. Anh chỉ nhận mình là cây phi lao vùng quê Bình Thuận hay là cây thanh long. Lạ thật, một thanh niên nghe chuyện tiếu lâm cũng cúi đầu, đỏ mặt mà vẽ biếm họa thật vui… Hoạ sĩ Nguyễn Tài, người thầy, người bạn, nhận xét về Xuân Trung: “Rồi thời gian sẽ chứng minh, đó là một thầy thuốc, một họa sĩ biếm có năng lực”.

HUY MIÊN - SA NAM
 

Tin cùng chuyên mục