
Cuộc vận động “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phát động vừa tròn 5 năm. Ngay khi mới ra đời, cuộc vận động đã trở thành một phong trào sâu rộng. Với các cấp của hệ thống MTTQ, “Vì người nghèo” còn là một phương thức hoạt động với nhiều mô hình và cách làm hay góp phần cùng chính quyền chăm lo và cải thiện đời sống của người dân nghèo.
Xóa nghèo tại chỗ
Những năm 1999 trở về trước, huyện Củ Chi được xếp vào nhóm những địa phương nghèo nhất của TPHCM với tỷ lệ hộ nghèo lên đến trên 20%. Nhiều xã như Phú Hòa Đông, Hòa Phú, Tân Thạnh Tây – có ấp có đến gần một nửa hộ dân được xếp vào diện nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tư ở xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) thoát nghèo nhờ mô hình tổ hợp tác sản xuất bánh tráng.
Khi cuộc vận động “Vì người nghèo” được phát động, Ủy ban MTTQ huyện đã đưa ra chủ trương lấy sức dân chăm lo cho dân và xóa nghèo ngay tại khu dân cư. Đầu tiên là mô hình nhóm giúp người nghèo được thực hiện tại ấp Cây Chăm, xã Phú Hòa Đông quy tụ hơn 10 hộ nghèo vào tổ sản xuất bánh tráng với nguồn vốn chủ yếu từ Quỹ Vì người nghèo vận động trong dân.
Chưa đầy 2 năm sau, số vốn ban đầu gần 100 triệu đồng đã được tăng lên gấp đôi. Có vốn, Ban vận động vì người nghèo của xã mở rộng ra mô hình các tổ hợp tác sản xuất mây tre, nuôi bò sữa…, góp phần đưa hơn 100 hộ ra khỏi diện nghèo. Đây là cách làm mà chị Ba Vân, cán bộ Ban vận động Vì người nghèo huyện Củ Chi thường gọi là “xóa nghèo tại chỗ”.
Chỉ sau 3 năm, từ 3 tổ hợp tác sản xuất tại xã Phú Hòa Đông, toàn huyện Củ Chi đã phát triển lên thành hơn 100 tổ, nhóm giúp nhau sản xuất với số vốn gần 10 tỷ đồng, tạo điều kiện xóa nghèo cho hàng ngàn hộ dân.
Còn tại ấp Mỹ Hòa 2, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn – cũng với phương thức xóa nghèo tại chỗ, Ban mặt trận ấp đã đứng ra thành lập Quỹ tiết kiệm vì người nghèo. Gọi là quỹ nhưng thực chất đây là phương thức góp cổ đông, mỗi hộ góp 1.000 đồng/ ngày vào quỹ để xoay vòng cho các hộ nghèo vay làm vốn buôn bán, sản xuất.
Ông Phan Văn Ty, Trưởng ban mặt trận ấp cho biết: “Đầu tiên là góp quỹ tiết kiệm xóa nghèo, sau được mở rộng ra quỹ tiết kiệm cổ đông với trên 100 cổ đông góp được gần 1 tỷ đồng. Có vốn, chúng tôi bàn cách mở các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện của các hộ nghèo để mời họ tham gia. Sau đó, những hộ nghèo lại góp vốn tham gia cổ đông. Với cách làm này, chỉ trong 2 năm, thu nhập của 109 hộ nghèo từ 4 triệu tăng lên 6 triệu đồng/ người/ năm”.
Mở rộng các hoạt động chăm lo người dân nghèo
Nếu giai đoạn đầu của cuộc vận động “Vì người nghèo” được tập trung vào mục tiêu giảm hộ nghèo và làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng khó khăn, thì trong 2 năm qua được chuyển qua hướng giải quyết những bức xúc của người nghèo về nhà ở, việc làm, chăm sóc y tế và học hành.
Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Ban vận động vì người nghèo TPHCM cho biết: “Với phương thức vận động từ nhân dân và tổ chức các chương trình gây quỹ…, mỗi năm Quỹ Vì người nghèo các cấp huy động được hơn 30 tỷ đồng. Đây là một nguồn quỹ rất quan trọng để tập trung xóa nghèo tại các vùng khó khăn, trong đó có 20 phường xã nghèo trọng điểm của thành phố.
Các chương trình như: xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; tặng học bổng, tập sách và phương tiện cho học sinh nghèo đi học; gắn điện kế… đều đến được đúng đối tượng người dân nghèo, góp phần đưa nhiều gia đình ra khỏi diện nghèo và vươn lên trong cuộc sống”.
Đồng chí Võ Trần Chí, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM – người luôn trăn trở với mục tiêu xóa nghèo của thành phố, đã gọi cuộc vận động “Vì người nghèo” mà các cấp MTTQ đang thực hiện là sự tiếp nối hiệu quả nhất chương trình xóa đói giảm nghèo đã được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đề ra thành nghị quyết cách nay 14 năm.
Thông qua cuộc vận động, chúng ta đã huy động được sức dân và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp MTTQ đóng vai trò chủ đạo. Đây là một điểm sáng mang dấu ấn hoạt động của hệ thống MTTQ, thu hút được các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào thành phố cùng phấn đấu cho mục đích chung: làm cho mọi người dân đều được hưởng công bằng trong hưởng thụ đời sống vật chất và tinh thần.
Chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất, tối 17-11 hàng trăm khu dân cư trên địa bàn TPHCM đã tưng bừng tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng tham gia Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo Đảng và chính quyền các quận huyện và thành phố trong dịp này đã đi xuống tận các khu dân cư tìm hiểu về đời sống và sinh hoạt của người dân. |
PHẠM HOÀI NAM