Một gia đình có… 200 tuổi Đảng

Một gia đình có… 200 tuổi Đảng
Một gia đình có… 200 tuổi Đảng ảnh 1
Ông bà Nguyễn Đình Bá hạnh phúc bên nhau.

60 tuổi Đảng vốn đã hiếm. Thế mà có một gia đình cả hai vợ chồng ở tuổi 80, có cùng 60 tuổi Đảng. Không những thế, cả 4 người con của ông bà đều là đảng viên và người cháu nội cũng đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cứ làm phép tính cộng, gia đình ông có trên 200 tuổi Đảng. Đấy là chuyện của gia đình Đại tá Nguyễn Đình Bá, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Khúc quân hành...

Cách mạng Tháng Tám đã đổi thay bao phận người. Ở tuổi 15, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Bá, ở làng biển nghèo xã Nghi Quang và bà Lê Thị Yêm ở xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An) đã tham gia phong trào địa phương, xây dựng chính quyền mới.

Năm 1949, khi bước qua tuổi 20, cả hai vợ chồng được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Năm sau, ông theo đời binh nghiệp, còn bà tiếp tục bám làng tham gia phong trào ở địa phương, vừa nuôi con vừa làm điểm tựa cho chồng. “Mới đấy mà đã tròn 60 năm” - Đại tá Nguyễn Đình Bá bồi hồi nhớ lại.
 
Đã 60 năm từ khi đứng vào hàng ngũ Đảng, từ chiến sĩ của Đại đội 22 bộ đội địa phương Nghệ An năm xưa, cho đến ngày rời quân ngũ với quân hàm đại tá, cuộc đời ông gắn liền với màu áo bộ đội.

Tháng 11-1968, ông được giao nhiệm vụ là chỉ huy trưởng chiến dịch K5, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân Lào, đánh dẹp phỉ Vàng Pao, góp phần giải phóng tỉnh Pô Ly Khăm Xay. Trưa 30-4-1975, khi nghe tin Sài Gòn được giải phóng, ông cùng đồng đội đã bật khóc vì sung sướng, tự hào. Nhiệm vụ của những người lính đã hoàn thành, đất nước đã thống nhất và ông mong ước được trở về với gia đình, vợ con sau những năm dài xa cách.

Thế mà, tháng 11-1978, khi biên giới Tây Nam căng thẳng, ông lại được lệnh khoác ba lô vào nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và gắn bó với vùng đất Nam bộ từ đó.
 
Vẫn thắp lửa niềm tin

Với giọng Nghệ đặc sệt, bà Yêm nói: “Ông nhà cứ đi riết, một mình tôi vừa tham gia phong trào phụ nữ, hợp tác xã ở địa phương và nuôi 4 người con ăn học. Là đảng viên, mình phải là chỗ dựa cho chồng yên tâm ra chiến trường, là tấm gương cho những người phụ nữ ở hậu phương. Mỗi lần ông về phép, chúng tôi lại động viên, hứa với nhau mỗi người phải cố làm tròn việc nước, việc nhà”.
 
Bà kể về những năm tháng vừa nuôi con, vừa cầm súng. Một nách nuôi 4 người con ăn học đã quá vất vả. Những ngày máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, ba đứa con lớn phải sơ tán đi các nơi để tránh bom.

Nhiều khi, cả tuần bà không ngủ được bởi ban ngày phải lo việc chung, còn đêm xuống ôm đứa con út vào lòng, mà mắt cứ chong lên vì lo cho mấy đứa con nhỏ đang sơ tán. Mỗi khi nghe tiếng bom là mỗi lần tim của bà lại nhói lên, không biết con có mệnh hệ gì không.
 
Điều hạnh phúc với bà là những đứa con luôn ngoan ngoãn, học hành nên người, lần lượt vào đại học. Người con cả Nguyễn Thành Long nay là bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái (Bình Phước), người thứ hai Nguyễn Đình Chung, hiện là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ở Kiên Giang, người con trai nữa là Trung tá Nguyễn Đình Thi đang công tác tại Bộ Công an và cô con gái duy nhất Nguyễn Thị Kim Dung, lại theo con đường binh nghiệp của cha, hiện mang quân hàm trung tá bộ đội biên phòng.

“Không chỉ hai vợ chồng tôi mà cả 4 người con và đứa cháu nội Nguyễn Thị Minh Phương là sĩ quan công an, cũng đều được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng” - Đại tá Bá nói thêm.

Ngày về hưu, hai ông bà lại lao vào công việc “vác tù và hàng tổng” ở phường, tổ dân phố. Ông bà nói với chúng tôi: “Tuổi đã già nhưng niềm tin vào Đảng vẫn như ngọn lửa cháy trong lòng, chúng tôi vẫn động viên nhau sống, làm việc với những ước mơ và niềm tin như thời trai trẻ”.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục