Một hành trình 4 quốc gia

Liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đường bộ ở các nước hạ nguồn sông Mekong đã được ngành du lịch của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam xúc tiến trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ chuẩn bị cho lộ trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, thúc đẩy du lịch, đi lại giữa các nước nội vùng mà quan trọng là xây dựng khu vực này thành một điểm hấp dẫn khách quốc tế. Sản phẩm “Một hành trình qua 4 quốc gia” là nỗ lực của doanh nghiệp du lịch Việt Nam để hiện thực mong muốn này.
Một hành trình 4 quốc gia

Liên kết, phát triển sản phẩm du lịch đường bộ ở các nước hạ nguồn sông Mekong đã được ngành du lịch của Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam xúc tiến trong nhiều năm qua. Điều này không chỉ chuẩn bị cho lộ trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, thúc đẩy du lịch, đi lại giữa các nước nội vùng mà quan trọng là xây dựng khu vực này thành một điểm hấp dẫn khách quốc tế. Sản phẩm “Một hành trình qua 4 quốc gia” là nỗ lực của doanh nghiệp du lịch Việt Nam để hiện thực mong muốn này.

Một ngày ăn 3 bữa ở 3 quốc gia

Do thuận lợi về địa lý, dễ dàng đi lại bằng đường bộ, khách du lịch từ nước láng giềng là một trong những nguồn khách quan trọng, chiếm giữ một thị phần lớn của các nước. Trong các nước hạ nguồn sông Mekong, du lịch đường bộ giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã được khai thác nhiều năm qua. Tuy nhiên, các sản phẩm khai thác chủ yếu là tuyến đi giữa 2 hoặc 3 nước như Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Lào - Đông Bắc Thái Lan, việc kết nối xây dựng sản phẩm trải nghiệm cho du khách qua cả 4 quốc gia còn hạn chế.

Du khách Việt Nam tham quan di sản văn hóa thế giới Wat Phou tại Lào.

Du khách Việt Nam tham quan di sản văn hóa thế giới Wat Phou tại Lào.

Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông vừa tiên phong xây dựng sản phẩm mới “Một hành trình qua 4 quốc gia”, đưa du khách Việt Nam trải nghiệm một chuyến đi 4 ngày, qua 4 quốc gia bằng cung đường bộ. Với hành trình dài khoảng 630km, từ trung tâm TPHCM, đi qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) nhập cảnh vào Campuchia, đến thành phố Pakse - thủ phủ của tỉnh Champasak và của cả khu vực Nam Lào. Từ Pakse, du khách tiếp tục đến cửa khẩu Vang Tao (Lào), nhập cảnh cửa khẩu Chong Mek vào Ubon Ratchathani - thủ phủ vùng Đông Bắc Thái Lan. Với hành trình đi và về, du khách sẽ có 12 dấu mộc trên passport khi xuất cảnh và nhập cảnh ở cửa khẩu quốc tế 4 nước; được tham quan thác nước lớn nhất Đông Nam Á - thác Khone Phapheng, di sản văn hóa thế giới Wat Phou xây dựng trước cả Angkor Wat (Campuchia) 3 thế kỷ tại Pakse của Lào; tham quan và khám phá văn hóa Phật giáo Tiểu thừa ở nhiều ngôi chùa có kiến trúc dát vàng độc đáo ở vùng Đông Bắc Thái Lan... Và một điều thú vị, trên hành trình này du khách còn có được trải nghiệm “một ngày ăn 3 bữa ở 3 quốc gia”, ăn sáng ở Việt Nam, ăn trưa ở Campuchia và ăn tối ở Lào.

Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, cho biết, do giá vé máy bay và phí dịch vụ du lịch ở Lào khá cao nên giá tour đến Lào hiện nay không cạnh tranh. Vì vậy, lượng du khách của Việt Nam đến Lào vẫn còn ít so với điểm đến Campuchia và Thái Lan. Với cung đường mới này, giá tour trọn gói chỉ khoảng 5,9 triệu đồng/người. Ngoài việc tiết kiệm được chi phí, du khách ở phía Nam còn được trải nghiệm nhiều điểm đến trên hành trình qua đất nước Campuchia.

“5 quốc gia - 1 điểm đến”

Với cảnh quan còn hoang sơ, nét văn hóa khác biệt, Lào là điểm đến du khách thế giới ưa thích. Cảnh vật ở Lào vẫn còn nguyên sinh nên thu hút rất nhiều khách châu Âu, đặc biệt là Pháp đến du lịch. Đây cũng là một nguồn khách “inbound” tiềm năng cho thị trường Việt Nam. Ông Trương Đức Hải cho rằng, cung đường mới này không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một sản phẩm mới để đưa du khách Việt Nam đến các nước trong vùng mà đây cũng sẽ là cầu nối đưa khách quốc tế từ thị trường bên ngoài đến Thái Lan, Lào theo hành trình này để về TPHCM bằng đường bộ. Và ngược lại, các công ty du lịch trong nước vẫn có thể đón khách quốc tế đến TPHCM đi các nước qua cửa ngõ này. Đây là mục tiêu hiện thực theo xu hướng “một chuyến đi, qua nhiều điểm đến” của du khách quốc tế hiện nay. Và đây cũng chính là mục tiêu liên kết, hợp tác mà các nước ở hạ nguồn sông Mekong đang đẩy mạnh xúc tiến để đưa khu vực này trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ACMECS được tổ chức tại TPHCM mới đây, Bộ trưởng Du lịch 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã thống nhất chương trình hành động “5 quốc gia - 1 điểm đến”. Để thu hút nhiều hơn lượng khách quốc tế đến khu vực, 5 nước đã thống nhất tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại giữa các nước về đường bộ, hàng không và hướng đến sử dụng thị thực visa chung của 5 nước dành cho khách quốc tế đến từ thị trường thứ ba.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục