Tại buổi họp báo nhân sự kiện này, bên cạnh những thành quả đạt được cũng như kế hoạch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 trong năm 2024, ông Joe Biden đã đề cập tới hàng loạt vấn đề nổi bật được cho là thách thức trong bối cảnh mức ủng hộ dành cho ông giảm xuống mức thấp trong những khảo sát gần đây.
Thành tựu nổi bật
Về đối nội, chính quyền của ông Biden đã thông qua nhiều gói ngân sách lớn, trong đó có gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD hồi tháng 3-2021. Tháng 11-2021, ông Biden ký thông qua luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD để cải tổ đường bộ, cầu và đường sắt, đường ống dẫn nước… trên khắp đất nước.
Trang phân tích tài chính, kinh doanh Market Watch dẫn nhận định của một số chuyên gia phân tích cho rằng gói cứu trợ và luật cơ sở hạ tầng được đánh giá là những thành tựu hàng đầu của Tổng thống Biden. Với hai biện pháp đó, ông đã bơm gần 3,5 ngàn tỷ USD vào nền kinh tế, giúp kéo nước Mỹ ra khỏi cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra và hỗ trợ mạng lưới cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và trẻ hóa hơn.
Ông Biden cũng hoàn thành vượt mục tiêu về tiêm vaccine Covid-19 trong nước. Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất hiện nay về đối nội của ông Biden là lạm phát.
Ông Matthew Continetti, một thành viên thường trú tại American Enterprise Institute, nhận định Tổng thống Biden đã không lường trước được lạm phát đang leo thang đến mức đáng ngại nhất trong 40 năm. Giá bán nhà và thuê nhà tăng 20% trong năm qua. Một số hàng vật liệu xây dựng tăng 100%. Giá thực phẩm ở siêu thị tăng 15%-30%. Giá xe hơi mua mới và cũ tăng 20%-35%.
Trong khi ông Biden cho rằng đây là thời điểm thích hợp để Cục Dự trữ Liên bang (FED) hoạch định các chính sách hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua đại dịch thì khoảng 51% người Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống và nền kinh tế tiếp tục được thông báo tăng trưởng.
Tập trung vào đối ngoại
Tổng thống Biden được khen vì nỗ lực giành lại vai trò lãnh đạo của Mỹ về các vấn đề khí hậu. Các nhà lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hài lòng với những nỗ lực phối hợp về chính sách đối với Trung Quốc.
Liên quan đến căng thẳng Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ khẳng định Washington và các đồng minh châu Âu sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine. Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Biden cho rằng bây giờ không phải là lúc từ bỏ những cuộc đàm phán vì các bên liên quan đã đạt được một số tiến bộ. Thỏa thuận ba bên về hợp tác quốc phòng với Anh và Australia (AUKUS), trong đó có điều khoản cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Canberra cũng được đánh giá là thành tựu trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng làm đổ vỡ thỏa thuận trị giá nhiều chục tỷ USD của Pháp với Australia, khiến Paris nổi giận.
Theo giới quan sát, chính quyền ông Biden đã gặp “thảm họa” với việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan mà không chuẩn bị đầy đủ các trường hợp dự phòng để việc kết thúc một cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, đưa uy tín chính trị của của Tổng thống Biden xuống mức thấp kỷ lục.
Ngoài ra, việc đảng Dân chủ đứng trước mối đe dọa mất quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội có thể khiến Tổng thống Biden tập trung vào chính sách đối ngoại hơn là các mục tiêu trong nước.