Việt Nam gia nhập WTO

Một số vấn đề cấp bách cần giải quyết

Sự tham gia vào WTO của Việt Nam sẽ tạo được điều kiện để toàn nền kinh tế quốc gia có thể tận dụng được các nguồn vốn tích lũy trên thế giới, để tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời tạo điều kiện cho công nhân Việt Nam làm quen với sinh hoạt DN quốc tế đương thời: cách tổ chức sản xuất, cách thức tiếp cận thị trường, cách thức cạnh tranh trong một khung cảnh luật pháp bình đẳng, không đặc quyền đặc lợi.

Khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam sẽ cần giải quyết một số vấn đề cấp bách như sau:

1.- Xây dựng nhanh chóng một số cơ sở hạ tầng, nhà cửa, dịch vụ, luật pháp… tại các thành phố lớn để có thể tiếp nhận các công ty nước ngoài và số dân lao động đến từ nông thôn.

2.- Một số ngành nghề thiết yếu, hiện nay còn non trẻ, cần được Nhà nước chú ý đặc biệt và có những chính sách hỗ trợ tương thích: ngân hàng, bảo hiểm, điện lực, cấp thoát nước.

3.- Đào tạo nhanh chóng một số lượng lớn công nhân chuyên nghiệp, có kiến thức thực hành để cung ứng cho nhu cầu sản xuất.

4.- Có một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp – nguồn xuất khẩu khá quan trọng – và nuôi trồng thủy hải sản.

Một số khả năng Việt kiều có thể đóng góp cho công trình hội nhập thế giới của Việt Nam:

- Về đầu tư: Nhà nước nên khuyến khích Việt kiều làm cầu nối trung gian giữa các công ty nước ngoài để đầu tư trực tiếp vào trong nước. Nhiều công ty Mỹ hoặc Tây Âu đã phải chuyển nhà máy sang sản xuất tại Trung Quốc vì giá nhân công rẻ. Việt Nam cũng có một lợi thế tương tự. Việt kiều sống ở các nước sở tại còn có lợi thế về giao tiếp, giới thiệu các công ty này với thị trường lao động Việt Nam.

Trong thương mại quốc tế, Việt kiều cũng có thể đóng góp kinh nghiệm với các công ty trong nước qua các buổi hội thảo, giao lưu giữa DN Việt kiều và DN trong nước, thông qua các tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, Câu lạc bộ DN Việt kiều, Phòng Thương mại và Công nghiệp…

- Về đào tạo: Nhà nước nên có chính sách khuyến khích Việt kiều về tham gia chương trình giảng dạy các ngành nghề kỹ thuật, quản lý, luật pháp quốc tế… tại các trường chuyên nghiệp. Kinh nghiệm của Việt kiều trong các lãnh vực này rất đáng kể.

Cần có chính sách cụ thể khuyến khích Việt kiều làm công tác dịch thuật các tài liệu, sách báo về kỹ thuật và quản lý, để phổ cập nhanh chóng các kiến thức đương đại về các kỹ thuật sản xuất. Vừa qua, Trung Quốc đã mời các chuyên gia Hoa kiều về nước làm việc và trả thù lao ngang với mức lương ở nước ngoài.

- Về ngân hàng, bảo hiểm: Nhà nước nên có chính sách cụ thể mời những chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực này

- Về sản xuất nông nghiệp, thủy sản: cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp, phù hợp cho nông dân, khuyến khích họ ở lại nông thôn sản xuất.

Hiện nay, việc sử dụng Internet đã phổ biến. Nhà nước có thể dùng phương tiện này để vận động kiều bào tham gia công việc hội nhập.

NGUYỄN VĂN NHÃ
(Việt kiều Canada)
 

Tin cùng chuyên mục