Mưa nắng hai mùa

Cuối tháng 4, trời thành phố bắt đầu những cơn dông, sấm chớp, báo hiệu đã vào mùa mưa. Mới tháng trước ra đường còn nghe người ta than “nắng quá trời quá đất”; bây giờ lại nghe: “tranh thủ về sớm để ổng mưa”, “vô mùa mưa rồi, đem hờ cái mưa đi”, “lo làm xong sớm đi, để cữ chiều ổng mưa cực lắm”…

Nắng thì mệt mà mưa thì cực, nhất là cánh hàng rong, buôn gánh bán bưng. Phía trước cổng Trường Đại học Sư phạm TPHCM và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (quận 5) có đủ xe trái cây, gánh xôi, bánh mì, bánh tráng trộn… Hễ mùa mưa tới, mấy cô bán hàng cũng “độ” thêm cây dù, che thêm mấy tấm bạt nhỏ để nước mưa không ướt đồ ăn. Xe đẩy bán trái cây thì phủ tấm bạt lên trên, người bán chạy đỡ vào mái hiên hay cửa hàng nào đó để trú tạm, hết mưa ra bán tiếp.

“Mưa vầy cực quá ha cô?”, tôi hỏi. Cô Nhì (53 tuổi, bán trái cây trước Trường Đại học Sư phạm TPHCM) chỉ cười: “Mùa mưa thì phải chịu thôi, ổng mưa rồi tạnh đó mà, tạnh mưa thì mình bán tiếp. Bữa nào mưa lớn, kéo dài thì về nghỉ sớm một bữa”.

Mùa mưa đi qua thành phố nhưng không có nghĩa là ngày nào cũng mưa, chỉ là ngày mưa nhiều hơn ngày nắng. Ai đó dù không sinh ra và lớn lên ở thành phố này nhưng sống ở đây chừng vài năm thì cũng nắm rõ tình hình thời tiết “nắng sớm mưa chiều” của thành phố và như một bản năng sinh tồn, tự khắc người ta sẽ biết cách thích nghi.

 Mưa nắng hai mùa ảnh 1 Thích nghi với mưa - nắng ở thành phố

Những khu vực có nhiều cao ốc văn phòng, công ty, chắc chắn sẽ không lo đói, vì xung quanh đó có đủ hàng quán từ ăn vặt đến ăn no. Hẻm 100 đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) giờ nghỉ trưa lại nhộn nhịp cánh văn phòng đổ ra ăn cơm, mùa này thì dễ nghe người xì xào: “Ăn lẹ rồi về phòng để mưa”, “có đem theo dù không, thấy mây đen quá trời”… Cô Hoa (62 tuổi) đậu xe chè trước hẻm cũng tranh thủ nói với mối quen: “Làm ly chè chút ăn xong xách về luôn ha, chứ lát xế ổng mưa, ra mua chè là ướt nhẹp đó”. Khách gật đầu cười, cô Hoa nhanh tay làm mấy ly chè.

Công việc nào cũng có cái khó, nhưng mưu sinh bằng nghề buôn bán hay làm việc ngoài trời thì chuyện nắng mưa tự nhiên trở thành yếu tố ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng người ta luôn có cách để thích nghi, hầu như ở thành phố này, tôi chưa nghe ai nói vì trời mưa mà bỏ công việc, chỉ có điều hơi cực và bán chậm hơn một chút.

Cũng là những ngày mưa, cái tính nghĩa tình, hào sảng của người thành phố lại “vẽ” thêm mấy cái áo mưa. Ngày nắng, dễ thấy bình/thùng “trà đá miễn phí”, trời mưa thì treo lủng lẳng trước cửa nhà/cửa hàng hay gốc cây lớn trên mấy tuyến đường trong thành phố, tờ giấy carton ghi vội “Áo mưa miễn phí”. Dĩ nhiên đó là cái áo mưa nhỏ mặc liền để không bị ướt, tàn cơn mưa, cởi áo ra có khéo lắm thì cũng chỉ mặc được 1 hoặc 2 lần nữa là cùng. Nhưng cái quý ở chỗ người ta luôn biết cách chia sẻ cùng nhau trong những nhọc nhằn, áo mưa nhỏ cũng đỡ ướt một cơn mưa lớn.

Mưa - nắng là quy luật của tự nhiên và mưa nắng ở thành phố này cũng trở thành một chủ đề lãng mạn của thơ ca. Người ta nhớ những mùa hoa - mùa hương sắc ở thủ đô, nhưng TPHCM chỉ có 2 mùa mưa nắng cũng đi vào văn chương, ở lại trong nỗi nhớ của những người xa thành phố. Mưa - nắng còn chở thêm những câu chuyện đời đầy ắp tình người... 

Tin cùng chuyên mục