Kho tàng trò rối nước của Việt Nam được nhiều sách báo ghi lại có đến 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục rối hiện đại. Các thế hệ nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ đã cố gắng lưu giữ được 17 trò cổ đặc sắc nhất, hấp dẫn nhất và cách đây 20 năm, Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội đã phục hồi 17 trò rối nước này.
Thế nhưng, trong chương trình biểu diễn phục vụ khán giả của sân khấu múa rối nước nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TPHCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), lần nào cũng như lần ấy, nội dung biểu diễn đơn điệu, quanh đi quẩn lại chỉ có vài trò cổ như: Múa rồng, Múa phượng, Đuổi cáo bắt vịt, Đánh cá, Nhi đồng hí thủy, Múa tứ linh, Lân tranh cầu hoặc Múa bát tiên... Những trò múa rối khác hiếm khi được diễn.
Được biết, TPHCM chỉ có vài sân khấu múa rối nước. Bên cạnh Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) có hai đơn vị tư nhân là Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng (Cung Văn hóa Lao Động TPHCM) và sân khấu múa rối nước nhà hàng Phố Xưa (quận 1) phục vụ chủ yếu cho khách du lịch. Trong khi sân khấu tư nhân mở cửa kinh doanh chú trọng trình diễn đa dạng 17 trò rối cổ truyền độc đáo thì sân khấu nhà nước lại hoạt động biểu diễn nghèo nàn về nội dung, một số trò chỉ diễn theo đơn đặt hàng của các công ty du lịch.
Trước đây nhiều năm, báo chí có quảng bá một vài vở diễn múa rối nước được dàn dựng công phu, hấp dẫn như: Cá chép hóa rồng, Mai An Tiêm, Nàng Nêaki, vở rối nước kết hợp rối cạn Sơn Tinh - Thủy Tinh... nhưng sau đó không thấy tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả. Lại nữa, sân khấu múa rối nước này khá nhỏ, hẹp, trải qua mấy chục năm rồi mà đơn vị quản lý cũng không có sự đầu tư gì lớn để có thể tạo cho khán giả dấu ấn về sự thay đổi, phát triển. Chưa kể, tay nghề của thế hệ những diễn viên trẻ ngày nay cần được nâng cao hơn mới có thể tạo sức sống tươi mới trong phong cách trình diễn và xử lý tình huống.
Thực tế cho thấy còn quá nhiều tồn tại trong hoạt động bảo tồn, lưu truyền, đầu tư và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này tại TPHCM - một thành phố có tiềm năng rất lớn về lượng khán giả trong và ngoài nước. Hoạt động của nghệ thuật múa rối nước truyền thống trong những năm qua cứ co cụm, mất dần sự lan tỏa. Với hoạt động kém khởi sắc như thế, nếu không có sự thay đổi kịp thời trong thời gian tới thì loại hình sân khấu nghệ thuật dân gian truyền thống này ắt sẽ mai một theo thời gian.
Bảo Lâm