Những ngày qua, hàng ngàn người đã xếp hàng và nhắn tin mua vé tàu, nhưng người nhắn nhiều, người mua được vé ít… Vấn đề đang được dư luận quan tâm là tại sao đơn vị vận tải không bán vé tàu qua mạng như những ngày trước khiến việc mua vé khó khăn hơn?
Bình cũ rượu cũ
Từ tối 19-12, hàng trăm người kéo dồn về ga Sài Gòn chầu chực lấy số thứ tự chờ mua vé cũng như nhắn tin mặc dù sang ngày 20-12 nhà ga mới mở cửa bán vé. Kẻ đứng người ngồi rà từng thông tin trên bản thông báo lịch tàu chạy, cách nhắn tin. Nhiều người phải thức trắng đêm để nhắn tin nhưng không phải ai cũng may mắn nhận được số thứ tự để mua vé tàu.
Bạn Nguyễn Thị Như Thảo, sinh viên năm 2, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, nói như khóc: “Tụi em sợ mua không được nên ra ga từ tối 19-12 nhưng không thể nào chen lấn nổi để được lên lầu (sảnh chờ lấy số thứ tự mua vé) lấy số thứ tự, đành phải ra trước cửa nhà ga xem bản thông tin với hy vọng nhắn tin tìm cơ hội cuối cùng mua được vé. Nhắn cả chục tin nhưng không thấy tổng đài trả lời mãi gần 2 giờ sau mới nhận được số thứ tự chờ thêm hơn 1 giờ nữa mới đến lượt, chưa kịp mừng thì nhân viên thông báo... vé trong ngày đã hết”. Thảo cho biết thêm, rất nhiều người bạn cũng ra ga hôm 19-12 nhắn hàng chục tin nhưng vẫn không mua được vé.
Thực tế những ngày qua, người nào nhắn tin càng sớm thì cơ may mua được vé càng cao, còn nhắn sau khi tổng đài mở khoảng 30 phút trở đi chỉ nhận được phản hồi: “Đã hết số thứ tự cho buổi sáng. Quý khách nhắn lại vào lúc 12 giờ 15 cho buổi phục vụ chiều”.
Móc túi người nghèo?
Nhiều bạn đọc gọi điện đến Báo SGGP cho biết con đường về quê sao gian nan quá. Thời đại công nghệ thông tin, kinh tế thị trường vậy mà năm nào ngành đường sắt cũng để xảy ra hiện tượng này. Tại sao ga không tiếp tục bán vé trên mạng như những ngày trước đó chuyển sang bán trực tiếp tại ga và nhắn tin. Rất nhiều trường hợp tổng đài không có thông tin trả lời nhưng tài khoản điện thoại vẫn bị trừ tiền.
Bạn Võ Thanh Tùng, ngụ đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú, cho biết, anh đến ga tối 19-12 xếp hàng mua vé. Để chắc chắn, anh dùng thêm điện thoại nhắn tin, nhưng chỉ nhận được thông tin kiểm tra số thứ tự đang phục vụ (tài khoản vẫn bị trừ tiền). Một số người may mắn nhận được tin nhắn phản hồi có số thứ tự. Nhưng thật bất ngờ, đến khoảng 12 giờ anh lại nhận được tin nhắn có số thứ tự, nhưng lúc này thì đã qua số thứ tự này làm sao mua. Anh cho biết thêm, trước khi lên sảnh nhà ga chờ lấy số thứ tự, anh đã thực hiện khoảng 20 tin nhắn và không nhận được tin phản hồi nhưng tài khoản vẫn bị trừ tiền. Hàng ngàn trường hợp tương tự như anh Tùng bị mất tiền nhắn tin nhưng không nhận được bất cứ thông báo nào.
Hầu hết họ cho rằng, thà mất tiền mà được vé cũng không sao, đằng này tốn bộn tiền nhưng không được gì? Trong khi đó, đơn vị cung cấp dịch vụ qua tin nhắn cho ga Sài Gòn khẳng định: Những trường hợp không nhận được tin nhắn phản hồi là do sự cố đường truyền giống như điện thoại nhắn tin bị nghẽn mạng. Họ cho rằng 100% số tin nhắn của khách hàng gởi đến công ty đều có tin nhắn phản hồi.
Vấn đề đang được dư luận quan tâm là số tiền thu từ tin nhắn rơi vào tay ai? Ai quản lý, kiểm soát việc cấp số thứ tự mua vé qua tin nhắn? Nhiều người cho rằng, cách bán vé này đã “hợp thức hóa” vé chợ đen, một tệ nạn mà ga Sài Gòn tìm mọi cách phòng chống? Điều đáng lo ngại là cách lấy số thứ tự mua vé bằng hình thức nhắn tin này hoàn toàn có thể bị những cò vé lợi dụng. Họ có quyền dùng nhiều số điện thoại để nhắn tin. Khi lấy được số, họ mua vé bằng tên của chính khách hàng nhưng lại lấy với giá gấp đôi. Trên thực tế, tại khu vực gần ga, hiện vẫn có khoảng 20 cò vé hoạt động nhộn nhịp.
| |
Nhóm PV