Mục tiêu đến cuối năm 2025, GRDP TPHCM bình quân đạt 8.500 USD/người

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, TPHCM đã dành nguồn lực lớn để đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị. Nhiều công trình, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực.

Sáng 10-7, HĐND TPHCM khóa X khai mạc kỳ họp thứ 10 để xem xét nhiều tờ trình quan trọng của UBND TPHCM về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM…

Các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trình bày báo cáo tổng hợp đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và báo cáo chuyên đề kết quả thực hiện 4 chương trình phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Tăng trưởng kinh tế - xã hội nhiều khó khăn

Theo đó, trong nửa đầu nhiệm kỳ, TPHCM chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bị tác động bởi tình hình biến động của thế giới, tăng trưởng GRDP năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36%, đến năm 2022 phục hồi và tăng 9%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,5%, một số chỉ tiêu về kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Các lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất nhập khẩu về cơ bản vẫn giữ mức tăng khá, trong khi khu vực công nghiệp sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trình bày báo cáo tổng hợp đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trình bày báo cáo tổng hợp đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Công tác bồi dưỡng và quản lý nguồn thu thực hiện hiệu quả, đạt 109% dự toán và tăng thu bình quân hằng năm là 26%. TPHCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công hơn 155.000 tỷ đồng. Kiều hối đạt 18 tỷ USD, tăng 68% so với nửa đầu nhiệm kỳ trước.

TPHCM đã tập trung phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế và các mô hình kinh doanh mới. Hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập mới, thu hút FDI đạt 12,6 tỷ USD.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển bền vững, đạt nhiều kết quả. Đến giữa năm 2023, TPHCM đạt tỷ lệ 20,4 bác sĩ/10.000 dân, 43 giường bệnh/10.000 dân; tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ. Đến nay, TPHCM có 343 trường đạt chuẩn quốc gia; đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Dự báo đến cuối năm 2023, không còn hộ nghèo theo chuẩn cả nước và chỉ còn 0,7% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TPHCM.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong nửa đầu nhiệm kỳ, TPHCM đã dành nguồn lực lớn để đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị. Nhiều công trình, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực. TPHCM cũng ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông. Theo đó, TPHCM đã bố trí trên 25.000 tỷ đồng cho 3 dự án mang tính chất liên kết vùng, vành đai, cao tốc. TPHCM cũng đã xây dựng mới 14,2 triệu m2 sàn nhà ở.

Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện thứ hạng xếp hạng các chỉ số PAR, PCI, PAPI…

8 giải pháp trọng tâm trong nửa cuối nhiệm kỳ

Nửa cuối nhiệm kỳ, UBND TPHCM đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm để kiên trì triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI.

Trong đó, TPHCM sẽ tập trung phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách Trung ương đã ban hành như: Nghị quyết số 31-NQ/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 98/2023/QH15.

TPHCM nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, y tế, giáo dục và đào tạo, nhất là các dự án trọng điểm về liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với thực hiện hiệu quả chính quyền đô thị...

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khóa X. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM đặt trọng tâm phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025.

TPHCM phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7%/năm; đến cuối năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD/người, hướng đến mục tiêu năm 2030 đạt 14.500 USD/người.

Bên cạnh đó, TPHCM tập trung phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đảm bảo an sinh xã hội chăm lo người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo vệ người lao động; đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; đổi mới quản lý TPHCM.

Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển chủ yếu

Đến tháng 6 năm 2023, TPHCM đã đạt và vượt kế hoạch 10/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Dự ước đến cuối nhiệm kỳ, khả năng thực hiện 31 chỉ tiêu thành phần như sau:

- 8 chỉ tiêu kinh tế: dự kiến có 2 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 2 chỉ tiêu phấn đấu đạt kế hoạch; có 4 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra.

- 9 chỉ tiêu văn hóa - xã hội: dự ước đều đạt kế hoạch đề ra.

- 9 chỉ tiêu về phát triển đô thị, bảo vệ môi trường: 5 chỉ tiêu dự kiến đạt kế hoạch, 1 chỉ tiêu chưa có kết quả đánh giá dự kiến, 3 chỉ tiêu theo dự ước khó hoàn thành kế hoạch đề ra.

- 2 chỉ tiêu cải cách hành chính và 3 chỉ tiêu an ninh: hiện chưa có cơ sở tổng hợp, tính toán và đánh giá, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra.

Tin cùng chuyên mục