Mục tiêu mới của phiến quân Hồi Giáo

Can thiệp quân sự vào Mali, liên tục kêu gọi quốc tế hỗ trợ nhiệm vụ chống phiến quân Hồi giáo tại quốc gia này đang khiến Pháp trở thành “kẻ thù” của các lực lượng Hồi giáo vũ trang. Đó là nội dung của bài viết “Bắt cóc, câu trả lời phiến quân Hồi giáo dành cho Pháp” trên tờ báo Pháp Le Point.

Những nạn nhân mới nhất là nhóm 9 du khách người Pháp đến quốc gia Trung Phi Cameroon, trong đó có 4 trẻ em. Họ bị tổ chức khủng bố Al Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) bắt giữ trong lúc tham quan Công viên quốc gia Waza, khu vực cận các quốc gia như Nigeria, Chad, Cộng hòa Trung Phi. Vụ bắt cóc mới này đã nâng tổng số công dân Pháp bị bắt cóc ở châu Phi lên 15 người. Theo trung tâm chuyên nghiên cứu về an ninh Intel Center Media List (Mỹ), Pháp có công dân bị bắt làm con tin nhiều nhất thế giới, tiếp sau là Mỹ với 9 con tin. Hiện có 6.000 người Pháp đang sinh sống và làm việc tại Cameroon, khoảng 200 công ty Pháp hoạt động tại nước này.

Một lực lượng đặc nhiệm của Pháp được cử đến Cameroon để giải cứu nhóm con tin. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram đến từ Nigeria thực hiện vụ bắt cóc trên. Hiện những con tin đã đưa sang Nigeria.

Được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, nhóm Boko Haram đặt mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền Bắc Nigeria. Boko Haram ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang chống lại các Kitô hữu và phương Tây. Một nhóm Hồi giáo cực đoan mới thành lập ở Nigeria, có quan hệ mật thiết với Boko Haram là Ansaru thừa nhận đã bắt cóc 7 công nhân nước ngoài và sát hại 1 nhân viên an ninh tại một công trường xây dựng ở bang Bauchi, phía Bắc Nigeria cuối tuần qua. Đây là nhóm khủng bố đã bắt cóc kỹ sư người Pháp Francis Collomp ở bang Katsina, phía Bắc Nigeria tháng 12 năm ngoái. Ansaru tuyên bố hành động của mình nhằm trả thù những gì phương Tây đang tiến hành ở Mali, hành vi báng bổ Hồi giáo trước đó.

Ông Jean-Yves Le Drian cho rằng vụ việc không liên quan trực tiếp đến việc Pháp can thiệp quân sự ở Mali. Tương tự, tờ Le Figaro nhận định, nguy cơ người Pháp bị bắt cóc không phải bắt đầu từ cuộc chiến Mali. Từ năm 2005, AQIM đã chỉ đích danh nước Pháp là kẻ thù chính. Năm 2010, thủ lĩnh AQIM còn buông lời hăm dọa nước Pháp. Việc Pháp can thiệp quân sự vào Mali vô hình trung đã làm tăng thêm nguy cơ bị bắt cóc hoặc bị tấn công đối với người Pháp trong khu vực. Trước nguy cơ có thật này, các nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao Pháp đã được huy động tối đa nhằm triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các công dân Pháp ở nước ngoài, nhất là những quốc gia có phiến quân Hồi giáo hoạt động mạnh. Điều này chứng tỏ, Pháp phải dè chừng và có trách nhiệm với tính mạng của người dân nước mình khi quyết định táo bạo ở Mali.

Theo CNRS, Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp, phiến quân Hồi giáo ngày càng phát triển đa dạng thành nhiều nhánh, thích ứng với từng địa bàn. Dầu mỏ Tây Phi đang gây sức hút lớn với các cường quốc, trong đó có Pháp. Có vẻ như Pháp chấp nhận tự trói chân mình với danh sách người dân nước này bị bắt cóc ngày càng dài. Trong khi đó, đàm phán dường như trở thành phương án duy nhất nhưng rất mong manh.

Như Quỳnh

Tin cùng chuyên mục