Muôn màu nghỉ việc

Cố gắng bám trụ vì nhiều lý do, mong muốn thay đổi công việc mới, hay nghỉ bất chấp vì không còn gì để lưu luyến đang là những lựa chọn trong công việc của rất nhiều người trẻ ở thời điểm hiện tại. Hiển nhiên, quyết định thuộc về mỗi người và ai cũng có những tính toán cho riêng mình.
Có một công việc ổn định không phải là một việc dễ dàng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Có một công việc ổn định không phải là một việc dễ dàng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trăm ngàn lý do

Có nhiều lý do để đi đến quyết định nghỉ việc vào thời điểm cuối năm. Tương tự, cũng có chừng đó lý do để nhiều người trẻ lựa chọn vẫn gắn bó với công việc hiện tại, dù không phải lúc nào mọi thứ cũng như ý nguyện.

Hoàng Linh (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đã quyết định rời bỏ vị trí quản lý nhiều người mơ ước tại một công ty về truyền thông. “Tôi nghĩ mình bám trụ đến thời điểm này đã là hết sức kiên nhẫn. Không hẳn chỉ là câu chuyện thu nhập, vì tôi thấy nếu tiếp tục cũng không phát triển như mong muốn. Nhiều người nói với tôi, sao không cố gắng đến hết năm, đợi xét lương thưởng rồi nghỉ. Nhưng với tôi điều đó không quá quan trọng. Tôi muốn dành thời gian nghỉ ngơi, lấy lại cân bằng”, Linh giải thích lý do đưa ra quyết định của mình.

Cũng vừa nghỉ công việc một biên tập viên video với tâm thế không có gì để mất, Ngọc Diệp (ngụ quận 10, TPHCM) chọn theo hướng một freelance (làm việc tự do). Vì đã có mối quan hệ, kinh nghiệm nên cô nhận các dự án từ khách hàng. Với Diệp, thu nhập có thể giảm đi phần nào nhưng quan trọng nhất là cô thấy rất thoải mái về tinh thần. Đặc biệt, cô còn phụ giúp gia đình kinh doanh một tiệm ăn sáng. “Đôi khi sống chậm lại một chút thấy cũng thú vị, thay vì ngày nào cũng chịu đủ áp lực từ deadline (hạn chót công việc)”, cô hứng khởi cho biết.

Ở chiều ngược lại, Ngọc Anh (nhân viên hành chính, ngụ quận 1, TPHCM) lại có suy nghĩ khác hẳn. “Hỏi có chán công việc hiện tại không, nhiều lúc tôi muốn bỏ việc ngay lập tức. Nhưng tôi suy nghĩ lại, chưa chắc nghỉ lúc này đã kiếm được việc ngay, trong khi tết đã cận kề. Ít nhất, công việc hiện tại cho tôi có nguồn thu nhập để trang trải, giúp cuộc sống ổn định hơn là thất nghiệp”, cô tâm sự.

Khi được hỏi, chưa dám nghỉ việc có phải vì chờ đợi tổng kết lương, thưởng cuối năm hay không, Ngọc Anh cho biết, công ty còn đang có chính sách cắt giảm nhân sự, giảm lương. Nhiều người như cô vẫn quyết định ở lại làm, chủ yếu để có thu nhập cố định hàng tháng, còn chuyện thưởng tết không dám mơ. Ngọc Anh phân tích thêm: “Có thể nhiều người ngoài cuộc sẽ nghĩ đó là tư tưởng “cố đấm ăn xôi”.

Nhưng không ít người sẵn sàng thông cảm vì thực tế công ty, kinh tế thị trường đang khó khăn chung. Mặt khác, nhiều người cũng gắn bó lâu với công ty, có tình cảm nên chấp nhận “đồng cam cộng khổ” vượt qua giai đoạn này”.

Cân nhắc không thừa

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc, có một số điều quan trọng cần phải được xem xét. Thứ nhất, cần suy nghĩ, phân tích thấu đáo lý do tại sao mình lại mong muốn nghỉ việc. Điều này cũng khá dễ hiểu, bởi nhiều người trẻ hiện nay sẵn sàng bỏ việc, nhảy việc bởi những lý do vụn vặt như: không vừa ý một vấn đề gì đó trong công việc, mâu thuẫn với sếp, đồng nghiệp... Quyết định thường đến vào thời điểm không thật bình tĩnh, tâm trạng tiêu cực muốn được giải tỏa ngay lập tức. Thứ hai, hãy thẳng thắn trao đổi, thảo luận và bày tỏ quan điểm của mình với quản lý trực tiếp để được “gỡ rối tơ lòng”.

Rất có thể những vấn đề bạn đang gặp phải hoặc rất nhỏ, hoặc do có những sự hiểu lầm, cái nhìn chưa khách quan. Có bao giờ chính bản thân mình đặt câu hỏi: đã tập trung hết sức cho công việc, thay đổi góc nhìn cởi mở hơn về công ty, trau dồi năng lực tư duy để không ngừng nâng cấp bản thân và được ghi nhận, tưởng thưởng mức thu nhập xứng đáng. Nếu đã trải qua bước này mà vẫn không thể hòa hợp, thay đổi để ở lại, khi đó hãy cân nhắc chuyện nghỉ việc.

Và, điều quan trọng không kém, bạn cũng cần phải là người thức thời, bởi hiện nay nhiều công ty lớn cũng tiến hành cắt giảm nhân sự, lương thưởng. Đừng để quyết định nghỉ việc là quyết định bốc đồng, đặc biệt khi chưa tìm được công việc thay thế, hoặc có giải pháp tài chính trong thời gian chờ công việc mới.

Là chuyên viên nhân sự, chị Thanh Hường (quận 3, TPHCM) đưa ra một ví dụ, công ty mình đang tuyển vị trí trưởng phòng kinh doanh quảng cáo, có khá nhiều ứng viên có kinh nghiệm ở vị trí tương đương trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khi xem xét về hồ sơ, năng lực, sự phù hợp, công ty chỉ có thể cân nhắc thử việc ở vị trí nhân viên kinh doanh. Và dĩ nhiên, chị nhận được lời từ chối ngay lập tức vì họ chỉ muốn vị trí quản lý.

“Cái người tuyển dụng cần, bạn không có. Và cái bạn có, nhà tuyển dụng không thấy phù hợp”, chị Hường cho biết thêm.

Nên nhận thấy, kỳ vọng của các bạn về chức vụ, mức lương có quá cao, nó chưa chắc phù hợp với vị trí tương tự tại các công ty lớn, hoặc các công ty khác lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục