Nhóm điều tra vũ khí hóa học của Liên hiệp quốc (LHQ) tại Syria ngày 31-8 đã rời nước này sang Lebanon, mang theo mẫu máu và nước tiểu của các nạn nhân cũng như mẫu đất tại những khu vực bị ảnh hưởng để kiểm tra. Trong khi đó Mỹ tiếp tục tiến gần đến giải pháp quân sự.
Pháp ủng hộ
Người đứng đầu Cơ quan giải giáp vũ khí LHQ Angela Kane nói với các phóng viên rằng bà sẽ có thông báo ngắn gọn về kết quả thanh sát tại Syria cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon vào cuối ngày 31-8 (giờ GMT). Theo CNN, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông sẽ trình bày toàn bộ kết quả thanh sát vũ khí Syria trước Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhưng để có một báo cáo đầy đủ phải mất 1 tuần.
Sau khi đoàn thanh sát vũ khí LHQ rời Syria, nguy cơ tấn công quân sự của Mỹ chống Chính phủ Syria tăng cao sau khi Mỹ cho công bố kết quả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của Chính phủ Syria. Theo đó, có hơn 1.429 người chết, trong đó hơn 400 trẻ em. Theo AP, Tổng thống Obama đã nói rằng nếu ông chọn giải pháp quân sự thì bất kỳ chiến dịch nào cũng không có sự can dự của bộ binh và quy mô tấn công cũng sẽ giới hạn chỉ để “trừng phạt việc Tổng thống Syria Bashar Al Assad sử dụng vũ khí hóa học”.
Trong lúc này, Mỹ vẫn đang tìm đồng minh để cùng hành động thay vì hành động đơn phương. Trong khi Tổng thống Obama gặp khó khăn khi tìm đồng minh cho cuộc tấn công quân sự Syria, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã công khai ủng hộ giải pháp quân sự. Ông Obama và ông Hollande nói chuyện qua điện thoại, sau đó ông Hollande ra tuyên bố cho biết “cộng đồng quốc tế không thể dung thứ việc sử dụng vũ khí hóa học và Chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm với hành động này. Cần có thông điệp mạnh mẽ lên án điều đó”.
Ngoài Pháp, hiện chưa có thêm nước nào công khai ủng hộ Mỹ tấn công quân sự Syria. Hãng ITAR-TASS dẫn một nguồn thạo tin từ Brussels cho biết đã có ít nhất 12 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định không tham gia chiến dịch quân sự chống Syria nếu không có nghị quyết của HĐBA LHQ. Mới đây nhất, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã loại bỏ khả năng nước này sẽ tham gia một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, sau vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học gần thủ đô Damascus hồi tuần trước. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang hối thúc HĐBA LHQ tìm kiếm một quan điểm chung và các thanh sát viên LHQ hoàn tất tiến trình điều tra sớm nhất có thể”.
Cũng theo AP, sau khi Hạ viện Anh bác bỏ yêu cầu để quân đội Anh tham chiến tại Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Washington sẽ tiếp tục tìm một liên minh quốc tế để đối phó với việc Syria dùng vũ khí hóa học tấn công thường dân.
Mỹ không thể tự mình định đoạt vấn đề
Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng nội các an ninh nhóm họp tại Nhà Trắng bàn biện pháp chống Syria, phía bên ngoài đã có nhiều nhóm biểu tình phản đối kế hoạch tấn công Syria. Phần lớn cho rằng Mỹ không thể tự mình định đoạt vấn đề có nên dội bom Syria hay không, làm thế chẳng có ích lợi gì cả mà ngược lại, sẽ có thêm nhiều cái chết. Pháp, nước ủng hộ Mỹ tấn công Syria cũng có tới 64% người dân được hỏi phản đối hành động này.
Theo AP, hành động quân sự của Mỹ tại Syria dễ kích hoạt làn sóng trả thù từ Chính phủ Syria nhằm vào các đồng minh của Mỹ trong khu vực gồm Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Điều đó sẽ càng thổi bùng ngọn lửa chiến tranh trong khu vực và cả cuộc nội chiến ở Syria.
Còn tại Syria, chính phủ nước này bác bỏ tuyên bố của Mỹ về cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống thường dân, xem đây là “sự dối trá trắng trợn” giống kiểu chính quyền Bush trước đây quy chụp cho Chính phủ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt trước khi tấn công quân sự. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria đọc trên truyền hình nhà nước nói rằng: “Với lý do bảo vệ người dân Syria, họ (Mỹ) đang tạo cớ cho một cuộc xâm lược có thể giết hàng trăm thường dân Syria vô tội”.
| |
THỤY VŨ (tổng hợp)
>> Mỹ công bố bằng chứng Syria dùng vũ khí hóa học