Mỹ gia tăng bảo hộ thương mại

Ngày 18-8, báo Wall Street Journal đưa tin, Chính phủ Mỹ công bố áp thuế mới với kim loại dùng để sản xuất các loại hộp đựng có xuất xứ từ Trung Quốc, Đức và Canada. Giới quan sát quốc tế nhận định, Mỹ tiếp tục gia tăng bảo hộ thương mại trong lúc các nước đang lâm vào tình trạng lạm phát khiến tình hình ngày càng khó khăn.
Sản xuất các sản phẩm thiếc tại Mỹ. Ảnh: WSJ
Sản xuất các sản phẩm thiếc tại Mỹ. Ảnh: WSJ

Lo ngại giá thực phẩm đóng hộp tăng

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, các sản phẩm của Trung Quốc sẽ chịu mức thuế cao nhất - khoảng 122,52% giá trị nhập khẩu, trong khi sản phẩm của các công ty Đức như Thyssenkrupp Rasselstein có thể chịu thuế 7,02% và mức thuế dành cho các sản phẩm của các công ty Canada như ArcelorMittal Dofasco là 5,29%. Những mức thuế trên là sơ bộ, mức thuế cuối cùng sẽ được công bố vào tháng 1-2024. Nhiều công ty thực phẩm lo ngại động thái này có thể khiến giá các loại thực phẩm đóng hộp tăng cao hơn.

Wall Street Journal dẫn kết quả một cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra những nhà sản xuất thép từ 3 nước trên đã bán các sản phẩm sắt tráng thiếc ở Mỹ với giá thấp một cách không công bằng. Một quan chức cho biết, các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế cao nhất do các công ty này từ chối hợp tác với cuộc điều tra.

Phía Mỹ mặc định, các công ty thuộc sở hữu nhà nước ở nước ngoài bán sản phẩm vào thị trường Mỹ với giá rẻ một phần nhờ nhận được trợ cấp từ chính phủ của nước đó, trừ khi các doanh nghiệp cung cấp bằng chứng phản biện xác đáng.

Bộ Thương mại Mỹ phối hợp với Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ mở cuộc điều tra nêu trên hồi tháng 1-2023, sau khi nhận được đơn kiến nghị từ nghiệp đoàn công nhân ngành thép United Steelworkers và Ohio-based Cleveland-Cliffs, công ty sở hữu một trong số ít nhà máy sắt tráng thiếc còn lại tại Mỹ.

Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng, thép nhập khẩu rẻ làm tổn hại tới các nhà sản xuất thép trong nước và thị trường việc làm nội địa. Hiện các sản phẩm từ Trung Quốc chiếm 14% khối lượng sắt tráng thiếc nhập khẩu thị trường Mỹ; các sản phẩm từ Đức và Canada góp 30%.

Chi phí cao hơn

Trang Channel News Asia cùng ngày đưa tin, Hiệp hội Các nhà sản xuất lon ở Mỹ đã kiến nghị trước quyết định áp thuế, cho rằng các nhà sản xuất thép của Mỹ hiện đang sản xuất ít hơn một nửa lượng thiếc cần thiết cho sản xuất lon trong nước. Bất kỳ mức thuế nhập khẩu mới nào cũng sẽ dẫn đến chi phí nguyên liệu và giá thực phẩm cao hơn vào thời điểm lạm phát vẫn ở mức cao. Ước tính, chi phí sẽ tăng tới 30% cho các sản phẩm đóng lon.

Hồi tháng 6, các thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ cũng gửi thư lập luận rằng, thuế chống bán phá giá cao sẽ làm tăng chi phí cho bao bì đóng hộp và các sản phẩm bình xịt, dẫn đến tăng nhập khẩu thực phẩm đóng hộp từ Trung Quốc.

Trong bản kiến nghị ban đầu, Cleveland-Cliffs yêu cầu Bộ Thương mại áp thuế chống bán phá giá 79,6% đối với hàng nhập khẩu từ Canada, 70,2% đối với Đức, 111,92% đối với Anh, 110,5% đối với Hàn Quốc, 296% đối với Hà Lan, 60% đối với Đài Loan và 97,2% đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định áp thuế mới được công bố chưa đầy một tuần sau khi Cleveland-Cliffs công bố đề nghị mua lại US Steel - đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực thép tấm thiếc.

Chủ tịch Cleveland-Cliffs Lourenco Goncalves nhiều lần lập luận ủng hộ sự cần thiết phải duy trì mức thuế 232% đối với thép nhập khẩu do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt năm 2018.

Tin cùng chuyên mục