Mỹ không muốn bắt bin Laden?

Mỹ không muốn bắt bin Laden?

(SGGP 12G).- Theo mạng tin IPS, một số cựu quan chức Mỹ vừa tiết lộ một số bằng chứng cho thấy, chính quyền Bush đã thất bại trong việc thông qua bất cứ một kế hoạch nào nhằm phong tỏa đường tẩu thoát của trùm khủng bố Osama bin Laden, cùng các thủ lĩnh al-Qaeda, từ Afghanistan sang Pakistan trong những tuần đầu tiên sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001.

Không nghe Pakistan

Mỹ không muốn bắt bin Laden? ảnh 1
Đánh bom liều chết, vũ khí ưa thích của khủng bố

Theo báo cáo của một số cựu quan chức Mỹ liên quan vấn đề này, do không lên kế hoạch cho tình huống bất ngờ đó nên quân đội Mỹ đã gạt bỏ đề nghị của Tổng thống Pakistan, Pervez Musharraf hồi cuối tháng 11-2001 là điều 60.000 quân đến các con đường đèo ở khu vực biên giới để chặn đường tẩu thoát của bin Laden.

Vào ngày 12-9-2001, khi quân Liên minh phương Bắc tiến vào thủ đô Kabul (Afghanistan), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã nhận được thông tin tình báo rằng bin Laden đã chạy vào khu vực hang động ở vùng núi Tora Bora gần biên giới Pakistan. Cuộc chiến đã kết thúc nhanh hơn so với dự tính. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Tommy Franks, người chịu trách nhiệm cho cuộc chiến ở Afghanistan, đã không kịp chuẩn bị lực lượng chặn đường thoát thân của bin Laden.

Theo cựu Đại tá David W. Lamm – hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc phòng (Mỹ) – Tướng Franks khi đó đã hỏi tướng Paul T. Mikolashek, người đứng đầu Sở chỉ huy trung tâm của Lục quân (ARCENT), rằng liệu có thể triển khai lực lượng quân đội để ngăn chặn al-Qaeda ở khu vực biên giới giữa Afghanistan và Pakistan hay không. Ông Lamm cho biết, ARCENT không có cách nào để thực hiện yêu cầu của Tư lệnh CENTCOM, về lực lượng cũng như phương tiện không vận chiến lược.

Tướng Franks đã nhận thấy cần phải dựa vào sự giúp đỡ của người Pakistan trong việc bao vây các ngả đường trốn thoát của al-Qaeda từ Tora Bora. Vài ngày sau, ông Franks đã đến Islamabad để yêu cầu Tổng thống Musharraf triển khai quân đội dọc biên giới Pakistan-Afghanistan, gần khu vực Tora Bora.

Thiếu tướng Mike DeLong, phó của ông Franks, sau đó cho biết, ông Musharraf đã từ chối yêu cầu của Tướng Franks về việc điều động quân chính quy Pakistan đến khu vực biên giới gần Tora Bora. Theo ông Chamberlin – hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông ở Washington – Tổng thống Musharraf khi đó đã nói với Tướng Franks rằng “có tới 150 thung lũng mà al-Qaeda có thể qua đó tràn vào Pakistan”.

Iraq mới là mục tiêu số 1

Nhiều nhà phân tích quân sự cho biết, thất bại trên có liên quan trực tiếp đến một sự thật là các quan chức đứng đầu Chính phủ Mỹ đã ưu tiên cho việc lên kế hoạch tấn công Iraq hơn là hành động quân sự chống al-Qaeda ở Afghanistan. Kết quả là Mỹ có quá ít quân và phương tiện không vận chiến lược tại những nơi có thể phong tỏa được số lượng lớn các con đường bin Laden có thể tẩu thoát qua khu vực biên giới hồi cuối năm 2001.

Nếu chính quyền Bush ưu tiên cho việc bắt giữ hay tiêu diệt các thủ lĩnh al-Qaeda, khi đó họ đã triển khai bộ binh và các phương tiện không vận cần thiết ở khu vực biên giới từ nhiều tháng trước khi bắt đầu cuộc tấn công ở Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Donald Rumsfeld và Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, Paul Wolfowitz đã bác bỏ các kế hoạch vây bắt bin Laden bởi họ đã hy vọng rằng Nhà Trắng sẽ sớm thông qua việc can thiệp quân sự vào Iraq. Thậm chí, sau vụ khủng bố 11-9, các ông Rumsfeld, Wolfowitz và Phó Tổng thống Mỹ, Dick Cheney tiếp tục chống lại bất cứ cam kết quân sự nào ở Afghanistan vì họ hy vọng vào cuộc chiến ở Iraq .

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Đại học Maryland tiến hành tại 23 nước trên thế giới theo đặt hàng của BBC, đa số người được hỏi đều cho rằng, Mỹ chưa làm suy yếu được tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Tại các nước được khảo sát, trung bình cứ 5 người được hỏi chỉ có 1 người cho rằng, al-Qaeda đang bị suy yếu, 29% cho rằng cuộc chiến chống khủng bố không có tác dụng và trên 33% nói rằng nỗ lực này càng khiến al-Qaeda mạnh lên.

ANH VĂN (theo IPS)

Tin cùng chuyên mục