Mỹ: Ngoại trưởng mới, ngoại giao mới

Ngày 13-1, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton đã điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trước khi bà được Thượng viện phê chuẩn vào vị trí mới: Ngoại trưởng Mỹ. Hình ảnh của Mỹ đã nhạt nhòa trong mắt đồng minh và vấp phải sự phản đối lan rộng trên thế giới là điều dễ thấy trong suốt 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ George W. Bush. Chính vì thế, bà Clinton cam kết sẽ mang lại sức sống mới cho nền ngoại giao Mỹ bằng việc đẩy mạnh lợi ích an ninh quốc gia và nâng cao giá trị của nước Mỹ.

Các quan chức của đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Barack Obama cho biết, bà Clinton và ông Obama sẽ tiếp tục thực hiện phương châm mà họ từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử: nước Mỹ phải khôn ngoan hơn để mạnh mẽ hơn, trong đó nhấn mạnh rằng ngoại giao phải là tiền đề cho chính sách đối ngoại của Mỹ và phải được cân bằng với sức mạnh quân sự, phù hợp với thế kỷ 21.

Cùng đồng tình với Tổng thống đắc cử Obama, Ngoại trưởng tương lai của Mỹ Hillary Clinton cho rằng “nước Mỹ cần mạnh lên trong nước rồi mới có thể mạnh ở nước ngoài-tiến trình này phụ thuộc vào việc khôi phục nền kinh tế và chia sẻ tăng trưởng kinh tế, chia sẻ thịnh vượng với thế giới”. Có thể hiểu rằng, trước mắt, ngoại giao sẽ lên ngôi, đẩy quân sự xuống “chiếu dưới”. Mỹ sẽ không tung tiền vào các cuộc chiến trên thế giới mà tập trung vào nền kinh tế đang xuống dốc, giải quyết các bất đồng quốc tế thông qua con đường ngoại giao.

Như vậy, có thể thấy rằng ít nhất trong nhiệm kỳ 2009-2012, hầu như sẽ không có thêm các cuộc chiến của Mỹ ở nước ngoài, vì ông Obama từng cho rằng trong nhiệm kỳ 4 năm tới của ông nền kinh tế Mỹ chưa chắc phục hồi tốc độ tăng trưởng cũ. Nhưng một khi kinh tế mạnh hơn, quyền lực quân sự sẽ “phải cân bằng” với ngoại giao. Khi đó chưa thể nói trước là điều gì sẽ xảy ra. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton, thế giới chưa quên các cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Nam Tư và Somalia.

Để thực hiện chính sách ngoại giao mới theo xu thế đối thoại của Tổng thống đắc cử Obama, bà Clinton khi trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao phải vận dụng hết nguồn lực nhân sự phục vụ cho xu thế này. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ giúp sức cho Tổng thống đắc cử Obama đưa ra ngay chính sách của Nhà Trắng trong đó thách thức đầu tiên là chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Hamas; đóng cửa nhà tù Guantanamo như cam kết của ông Obama.

Trọng trách kế tiếp của bà Clinton sẽ là biết khi nào dừng cuộc chiến của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, xử lý quan hệ với Iran và CHDCND Triều Tiên. Thế giới đang hy vọng vào chính sách ngoại giao mới của Mỹ có thể mềm dẻo hơn dưới thời ông Obama và người đóng vai trò lớn thực thi chính sách đó không ai khác hơn là ngoại trưởng mới của Mỹ.

Vũ Minh

Tin cùng chuyên mục