Trừ một số ngoại lệ, quyết định này có nghĩa là người Thổ Nhĩ Kỳ không thể sang Mỹ vô thời hạn (trừ diện di dân) và ngược lại.
“Các sự kiện gần đây đã buộc Chính phủ Mỹ phải đánh giá lại cam kết của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ”, tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara cho biết.
Chỉ 24 giờ sau tuyên bố của Mỹ ngừng cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara trả đũa theo tuyên bố tương tự của Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington. Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ cho biết biện việc ngừng cấp thị thực cho người Mỹ có hiệu lực ngay lập tức.
Theo CNN, Mỹ cho rằng vụ bắt giữ nhân viên nói trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ 2 nước khi nhân viên này bị truy tố về những cáo buộc liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen đang ở Pennsylvania, Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ông Gulen chủ mưu vụ đảo chính hụt tại nước này năm 2016.
Mỹ bác bỏ yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ ông Gulen và ông Gulen cũng phủ nhận cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 3, một nhân viên Thổ Nhĩ Kỳ tại Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Adana phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bị bắt vì bị buộc tội hỗ trợ Đảng Công nhân người Kurd- tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Adana là nơi có căn cứ không quân của Mỹ mang tên Incirlik, nơi lưu giữ hàng chục tên lửa hạt nhân của Mỹ và đóng vai trò trung tâm chính cho các hoạt động tại Syria.
Quan hệ Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ còn căng thẳng do Mỹ ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho đây là nhóm khủng bố.