Ngày 24-8 (25-8 giờ Việt Nam) tiếp tục là một ngày xanh nữa của thị trường chứng khoán Mỹ. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp sàn chứng khoán New York hân hoan với những phiên tăng điểm, trái ngược hẳn với chuỗi ngày ảm đạm sau khi Standard & Poor’s hạ mức tín nhiệm Mỹ hôm 5-8.
Những ngày dễ thở của chứng khoán
Các chỉ số như Dow Jones, Nasdaq, S&P 500… đều tiếp tục tăng điểm, lần lượt là 1,29%; 0,88%; 1,31%. Giá cổ phiếu của Ngân hàng Bank of America dẫn đầu các cổ phiếu blue-chip tăng điểm khi đạt mức tăng 15%. Đây là tín hiệu rất tích cực bởi nhiều tuần qua cổ phiếu Bank of America ế khách do tâm lý lo ngại về kiện tụng tài sản thế chấp cũng như khả năng tăng cường vốn.
Tiếp nối đà tăng điểm ở Mỹ, các sàn chứng khoán tại châu Á cũng chứng kiến các phiên giao dịch sôi nổi. Tokyo kết thúc ngày giao dịch 25-8 với mức tăng 1,54%. Con số này tại Seoul là 0,56%; Sydney là 0,56%; Hồng Công (Trung Quốc) là 1,07%; Thượng Hải là 2,32%... 3 ngày qua có thể coi là thiên đường đối với thị trường chứng khoán Mỹ cũng như thế giới. Trước đó, tính từ ngày 26-7 đến ngày 16-8, khoảng 6.800 tỷ USD đã bị cuốn bay khỏi thị trường chứng khoán thế giới sau những phiên tuột dốc.
Những tín hiệu tích cực của thị trường chứng khoán vài ngày qua chính là một trong những nguyên nhân kéo giá vàng trên thị trường thế giới hạ nhiệt. Giá vàng giao dịch tại thị trường London ngày 25-8 vào khoảng 1.729 USD/ounce, chỉ vài ngày sau khi lập kỷ lục 1.913 USD/ounce. Trong phiên giao dịch đóng cửa tại Hồng Công (Trung Quốc) ngày 25-8, giá vàng dao động từ 1.738 USD/ounce đến 1.739 USD/ounce…
Nhà đầu tư đặt cược vào FED
Tờ Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia kinh tế cho biết có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thị trường chứng khoán Mỹ náo nhiệt trở lại trong vài ngày qua. Thứ nhất, việc mua sắm các loại hàng hóa sử dụng lâu dài (xe hơi, tủ lạnh, điều hòa…) đã nhộn nhịp trở lại. Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, lượng mua sắm loại hàng hóa này trong tháng 7 đã tăng thêm 4% so với tháng 6 với mức tiền giao dịch hơn 200 tỷ USD. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Mỹ.
Nguyên nhân thứ 2 và quan trọng hơn cả đó là việc FED sẽ cho công bố báo cáo thường niên vào ngày hôm nay, 26-8. Ông Nariman Behravesh, nhà kinh tế trưởng của IHS Global Insight, một công ty phân tích tài chính của Mỹ, cho biết dự báo về những tín hiệu khả quan trong bản báo cáo thường niên của FED đã lôi kéo niềm tin của nhà đầu tư quay lại sàn chứng khoán.
Theo hãng tin AFP, rất có thể Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, sẽ công bố một số kế hoạch vực dậy nền kinh tế phát triển chậm chạp của Mỹ.
Tờ Wall Street Journal cũng có chung nhận định khi cho rằng sự thất vọng đối với thị trường bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao 9,1%... chính là động lực và sức ép để Chủ tịch FED đưa ra những biện pháp thúc đẩy kinh tế mới. Rất có thể FED sẽ nới lỏng hơn chính sách tiền tệ và tuyệt vời hơn nữa nếu ông B.Bernanke cho công bố về gói kích thích kinh tế thứ 3 (QE3).
Còn nhớ cùng kỳ năm ngoái, sau khi FED công bố bơm 600 tỷ USD để tăng tính thanh khoản, kinh tế Mỹ và thế giới đã trở nên sáng sủa. Thị trường chứng khoán phủ một màu xanh trong 9 tháng trước khi tụt dốc trở lại từ tháng 6-2011.
Abigail Huffman, Giám đốc nghiên cứu thị trường của Công ty Russell Investments (Mỹ) kêu gọi FED phải có trách nhiệm đưa ra các giải pháp kinh tế để vực dậy nền kinh tế Mỹ, qua đó kéo theo sự hồi phục kinh tế toàn cầu.
Nhà kinh tế Behravesh thì cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của FED cần thực hiện vào thời điểm này là lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Ông Behravesh cảnh báo các nhà đầu tư đang đặt cược vào FED, thị trường phản ứng tích cực hay tiêu cực sẽ phụ thuộc cả vào báo cáo của FED.
ĐỖ CAO (tổng hợp)