Mỹ phẩm độc hại vẫn tràn lan

Mặc dù Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành quy định cấm lưu hành các loại mỹ phẩm chứa chất Parabens độc hại, thậm chí đã ra quyết định thu hồi, nhưng trên thị trường chất cấm này vẫn bày bán tràn lan. Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt mỹ phẩm chứa chất nguy hại như Corticoid, Desamthasone.
Mỹ phẩm độc hại vẫn tràn lan

Mặc dù Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành quy định cấm lưu hành các loại mỹ phẩm chứa chất Parabens độc hại, thậm chí đã ra quyết định thu hồi, nhưng trên thị trường chất cấm này vẫn bày bán tràn lan. Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt mỹ phẩm chứa chất nguy hại như Corticoid, Desamthasone.

Khó lựa chọn mỹ phẩm đảm bảo chất lượng trước một thị trường tràn lan thật - giả lẫn lộn (Ảnh chỉ mang tính minh họa)


Thu hồi, vẫn bán

“Hoành hành” trên thị trường mỹ phẩm một thời gian dài nhưng tháng 4-2015 vừa qua, Công ty TNHH Thương mại M. (quận 1, TPHCM) mới bị “sờ gáy” khi Thanh tra Sở Y tế phát hiện kê khai không trung thực nội dung trong phiếu công bố mỹ phẩm. Do đó, ngày 13-4-2015, cơ quan chức năng đã ra quyết định đình chỉ và thu hồi giấy tiếp nhận phiếu công bố 76 sản phẩm mỹ phẩm như Ve., Jos., Men.,… Vậy nhưng, ghi nhận cho thấy, hiện các sản phẩm mỹ phẩm mặt nạ trắng da của công ty M. nằm trong danh sách bị thu hồi vẫn nằm chễm chệ tại các sạp chợ, cửa hàng… Tương tự, hồi tháng 6-2015,  Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại mỹ phẩm Y.O. (quận 6) bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện nhà xưởng không hề có máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, không thực hiện sản xuất mỹ phẩm tại địa chỉ ghi trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, công ty không có hồ sơ thông tin sản phẩm... Với chiêu trò “treo đầu dê bán thịt chó”, Công ty Y.O. đã bị Cục Quản lý dược, Sở Y tế TPHCM ban hành quyết định thu hồi 30 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm Z., A., Aich… Ghi nhận trên thị trường cho thấy một số sản phẩm mỹ phẩm tắm trắng của công ty này vẫn ngang nhiên bày bán…

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện, tịch thu hàng chục tấn mỹ phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Mới đây nhất, ngày 2-12, tổ công tác đặc biệt của Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện cả chục tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại kho hàng trong khuôn viên Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Ngày 9-12 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng phát hiện khoảng 12 tấn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng hết hạn sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng  như mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em…

Cần quyết liệt kiểm soát

Không chỉ gian dối trong buôn bán, hàng loạt mỹ phẩm trên thị trường hiện nay cũng chứa các chất cấm, chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như Corticoid, Desamthasone. Phân viện Pháp y quốc gia tại TPHCM cho biết kết quả kiểm nghiệm 4 mẫu kem mỹ phẩm gồm: “Sắc Hoa Thiên - Giữ mãi tuổi xuân - Collagen - Tổ yến - Siêu trắng”, “Whitening cream - Sắc Ngọc Hương - Sheep placenta - Kem nhau thai cừu”, “Cream Q-10 Sắc Ngọc Trai Khang - Thành phần thảo dược từ thiên nhiên”, “Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang - Thành phần đến từ thiên nhiên” đều có chứa Desamthasone và Clobetasol propionate (dẫn xuất nhóm Corticoid). Theo các chuyên gia y tế, Corticoid là thủ phạm đã được ghi nhận gây lão hóa như trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng (ở Giồng Trôm, Bến Tre), mới 26 tuổi nhưng lão hóa như bà lão 80. Đáng nói, khi dùng thuốc, mỹ phẩm chứa Corticoid sẽ làm ức chế tuyến thượng thận bài tiết, làm cơ thể hay mệt mỏi, nôn ói, nặng hơn nữa có thể gây huyết áp thấp hay tụt huyết áp.

Thực trạng mỹ phẩm trôi nổi chứa các chất độc hại, dù có quyết định thu hồi nhưng vẫn bày bán tràn lan là không thể chối cãi. Vậy công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng đến đâu? Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, những loại mỹ phẩm bị thu hồi sẽ được đăng trên trang web của sở, đồng thời thông báo đến UBND các quận, huyện và các công ty để phối hợp kiểm tra. Do đó, hầu như người dân vẫn mù tịt thông tin, các công ty vi phạm vẫn tiếp tục tung hàng ra sạp, cửa hàng. “Nên có cơ chế thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông”, bà Phong Lan kiến nghị. Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Quản lý dược, quyết định thu hồi mỹ phẩm được gửi xuống địa phương, cơ sở yêu cầu phối hợp thu hồi sản phẩm và báo cáo về cục nhưng xem ra quyết định đi thì nhiều mà báo cáo về thì rất ít (!?).Tuy nhiên, hiện nay các chế tài đối với việc không tuân thủ thu hồi nhẹ “như gãi ngứa” với mức phạt hành chính vài ba triệu đồng, nên các công ty vi phạm… lờn mặt! Ngay như quyết định thu hồi mỹ phẩm chứa chất Parabens mà Cục Quản lý dược đang thi hành từ tháng 7-2015 hiện cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, có hơn 2.200 loại mỹ phẩm của 231 công ty bị thu hồi do chứa chất Parabens nghi gây ung thư nhưng đến nay chỉ thu hồi… nhỏ giọt! 

 Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không nguồn gốc hiện nay rất phổ biến, tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ. Trong tổng số các vụ vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm thì mỹ phẩm giả nhãn hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng, nguồn gốc chiếm 17% và số còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn chứng từ.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục