Mỹ: Quay về hàng nội địa

Có một hiện tượng lạ đang diễn ra tại các trung tâm thương mại của Mỹ. Đó là ngày càng có nhiều khách hàng trong khi xem hàng rất hay hỏi: “Có phải cái này là Made in USA? (Được làm từ Mỹ không?).

Có một hiện tượng lạ đang diễn ra tại các trung tâm thương mại của Mỹ. Đó là ngày càng có nhiều khách hàng trong khi xem hàng rất hay hỏi: “Có phải cái này là Made in USA? (Được làm từ Mỹ không?).

Mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi và túi tiền của nhiều người Mỹ vẫn còn eo hẹp, nhưng rõ ràng có một sự ưu ái gia tăng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart (WMT) hồi đầu năm nay tuyên bố sẽ tăng cường khoảng 50 tỷ USD để tìm nguồn cung ứng các mặt hàng của Mỹ trong 10 năm tới. General Electric (GE) đang đầu tư 1 tỷ USD từ nay đến năm 2014 để khôi phục các doanh nghiệp cung cấp thiết bị của Mỹ và tạo ra hơn 1.500 việc làm.

Theo New York Times, các nhà sản xuất nhỏ cũng đang thiết kế lại toàn bộ các chiến lược kinh doanh dành cho các hàng hóa sản xuất trong nước, từ đồ chơi trẻ em cho đến đồ dùng gia đình. Đây không đơn giản chỉ là lòng yêu nước mà còn là mong muốn những sản phẩm an toàn và chất lượng. Tất cả đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người Mỹ.

Blogger Sarah Wagner đã biến niềm đam mê hàng hóa “Made in USA” thành một hiện tượng nổi đình nổi đám trên website USA Love List ở Philadelphia. Website này dành để tìm kiếm nguồn cung ứng và giới thiệu nơi để mua các mặt hàng hóa Mỹ, từ son dưỡng môi đến thức ăn cho vật nuôi.

Trong số các mặt hàng “Made in USA” đang được ưa chuộng hiện nay, các dòng “sản phẩm xanh” với vật liệu tái chế được ưu ái nhất. Jenna Sellers Miller, Chủ tịch Architec Housewares có trụ sở ở Delray Beach, bang Florida, cho biết hóa ra việc sản xuất đồ chơi xanh trong nước dễ dàng hơn sản xuất ở nước ngoài bởi vì nguồn cung cấp vật liệu tái chế, chẳng hạn như nhựa tái chế, đặc biệt rất phong phú và rất rõ ràng về nguồn gốc. Một số dòng sản phẩm của Architec’s EcoSmart cũng có nguồn gốc trong nước. Những sản phẩm này hiện đang được tiêu thụ rất mạnh tại các cửa hàng đại gia bán lẻ của Mỹ như Target, Macy’s và Bed Bath & Beyond (BBBY). Các công ty này đang nỗ lực đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn bán lẻ rằng họ chỉ muốn thấy hàng hóa “Made in USA” được trưng bày trên kệ của mình.

Với nguồn cung vật liệu tái chế từ trong nước và cam kết có trách nhiệm hơn với môi trường cũng đã giúp Công ty sản xuất đồ chơi Green Toys có trụ sở tại California phát triển tốt chiến lược kinh doanh của họ. Vì nhà máy sản xuất và nhà kho chỉ cách nhau 10 dặm ở Bắc California, nên họ giảm được chi phí vận chuyển và khí thải ra môi trường. Công ty này cũng tạo ra một hiệu ứng lan tỏa như tạo công ăn việc làm cho tài xế địa phương, các công ty vận tải, đóng gói và cả các phòng thí nghiệm kiểm tra. Cuối năm nay, có thể Green Toys sẽ chuyển lô hàng đồ chơi đầu tiên từ Bắc California tới Trung Quốc.

Đối với người Mỹ và người tiêu dùng trên thế giới, “Made in USA” là một khái niệm đồng nghĩa với “chất lượng cao”. Robert von Goeben, nhà đồng sáng lập Green Toys cho biết tất cả các sản phẩm của công ty từ dành cho trẻ mới mọc răng cho đến đồ chơi hình khối đều được làm trong nước và xuất khẩu sang 75 nước khác. Ông nói: “Chúng tôi đạt đến điểm mốc mà người Mỹ nhận thức lại lợi thế cạnh tranh của mình. Đây không phải là sản phẩm rẻ nhất, nhưng phải là sản phẩm chất lượng nhất”. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục