Mỹ tăng kết nối với Trung Đông

Theo Reuters, Mỹ đang nỗ lực hoàn tất các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD cho Saudi Arabia trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới nước này dự kiến diễn ra trong tháng 5 này. 
Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với Phó Thái tử, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng vào tháng 3-2017
Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với Phó Thái tử, Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Nhà Trắng vào tháng 3-2017
Sẵn sàng cải thiện quan hệ
 
Trong số các thương vụ vũ khí đang được đàm phán có Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trị giá khoảng 1 tỷ USD và hệ thống phần mềm C2BMC phục vụ cho chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc trong chiến đấu, cũng như một gói cung cấp khả năng liên quan đến vệ tinh. Tất cả các hệ thống này đều do tập đoàn Lockheed Martin cung cấp. Ngoài ra, hai nước cũng đang đàm phán về các hợp đồng công khai trước đó, như gói bán 4 tàu chiến đấu đa nhiệm cùng dịch vụ đi kèm trị giá 11,5 tỷ USD, được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua hồi năm 2015. Mỹ vốn là nhà cung cấp các vũ khí chính cho Saudi Arabia, bao gồm các máy bay chiến đấu F-15 và các hệ thống chỉ huy và kiểm soát trị giá hàng chục tỷ USD. Mỹ còn đảm nhận thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện các binh sĩ Saudi Arabia. 

Trong đầu tuần tới, một nhóm làm việc Saudi Arabia và Mỹ có buổi gặp tại Nhà Trắng để thảo luận về chuyến công du của Tổng thống Donald Trump tới Saudi Arabia. Đây cũng là quốc gia nằm trong chặng dừng chân đầu tiên của ông Trump trong chuyến đi đến Trung Đông trên cương vị Tổng thống Mỹ. Việc lựa chọn Saudi Arabia cho thấy ý định của ông Trump muốn củng cố quan hệ với đồng minh hàng đầu trong khu vực. Quan hệ giữa hai nước đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Barack Obama, một phần vì thỏa thuận hạt nhân với Iran - vốn bị Riyadh coi là quốc gia thù địch. Theo nhận định của Reuters, việc tăng tốc trong các hợp đồng mua bán vũ khí với Saudi Arabia cho thấy Washington và Riyadh đã sẵn sàng cải thiện quan hệ. Bên cạnh đó, giá trị lớn của hợp đồng cũng sẽ củng cố thêm lời hứa của ông Donald Trump trước và sau khi nhậm chức tổng thống là thúc đẩy nền kinh tế Mỹ bằng cách tạo thêm nhiều việc làm. 

Củng cố quan hệ đồng minh 

Cũng trong chuyến đi đến Trung Đông, ông Trump sẽ đến Israel và Vatican trước khi tham dự cuộc họp NATO diễn ra vào ngày 25-5 tại Brussels (Bỉ) và cuộc họp thượng đỉnh nhóm G7 ở Sicily (Italia) sau đó một ngày. 

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên luôn là dấu mốc quan trọng với tổng thống Mỹ. Giới chức Israel cho biết đang thảo luận với phía Mỹ về việc sắp xếp chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới thành phố Jerusalem. Chọn Trung Đông là chuyến công du đầu tiên cũng cho thấy khu vực này vẫn sẽ là một trong những trọng tâm chính của chính quyền ông Trump. Cả Israel và Saudi Arabia đều là đồng minh thân cận. Sự cam kết mạnh mẽ của ông Trump để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang cần sự ủng hộ của các đồng minh Trung Đông cũng như tiến trình đem lại hòa bình ở Trung Đông vẫn cần được xúc tiến. Lập trường cứng rắn của ông Trump đối với Iran trong chiến dịch tranh cử đã góp phần khôi phục lòng tin của các nước vùng Vịnh về vai trò lãnh đạo của Mỹ. 

Chuyến đi này được tuyên bố một ngày sau khi ông Trump đã đón Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Nhà Trắng - đánh dấu cuộc họp gần nhất với các nhà lãnh đạo Trung Đông, bao gồm trước đó cả Israel, Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia. Trước chuyến thăm Jerusalem, ông Trump được cho là đang cân nhắc chuyến đi tới Bethlehem để gặp ông Abbas một lần nữa.

Tin cùng chuyên mục