Mỹ thay đổi cơ quan kiểm soát: Xuất khẩu cá của Việt Nam lại gặp khó

Việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ, một trong hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sẽ lại gặp rào cản, do phía Mỹ thay đổi chính sách và cơ quan kiểm soát thủy sản nhập khẩu. Các chuyên gia dự báo thiệt hại này sẽ rất lớn, nặng hơn cả sự cố Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá với cá da trơn Việt Nam trước đây.
Mỹ thay đổi cơ quan kiểm soát: Xuất khẩu cá của Việt Nam lại gặp khó

Việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ, một trong hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sẽ lại gặp rào cản, do phía Mỹ thay đổi chính sách và cơ quan kiểm soát thủy sản nhập khẩu. Các chuyên gia dự báo thiệt hại này sẽ rất lớn, nặng hơn cả sự cố Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá giá với cá da trơn Việt Nam trước đây.

Chế biến cá ba sa tại Công ty QVD (TPHCM) tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Cao Minh

Kiểm soát nghiêm ngặt

Theo Đạo Luật Farm Bill 2014, từ tháng 3-2016, cá da trơn (catfish) thuộc bộ Siluriformes (gồm cá tra, ba sa…) dù nuôi nội địa hay nhập khẩu đều sẽ chuyển việc kiểm soát từ FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh) sang FSIS (Ban Quản lý Thực phẩm nông nghiệp an toàn và dịch vụ thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA). Như vậy, cá tra (kể cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS, chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Mỹ.

Theo ông John Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), các quy định của FDA trước đây vốn đã khắt khe, nhưng với các quy định mới của FSIS, sẽ nghiêm ngặt và chi tiết hơn rất nhiều. Cụ thể, những quy định của FDA về kiểm soát cá da trơn chỉ khoảng 300 trang giấy, nhưng với FSIS lên đến… hàng ngàn trang! Nếu như trước đây, FDA cần thời gian 1 tuần để rà soát, nay với FSIS, yêu cầu kiểm soát theo từng ca trước ngày xuất hàng, bao gồm cả nhãn hàng hóa và kiểm tra cho đến tay người tiêu dùng. Điểm khác biệt cơ bản giữa FDA và FSIS là việc áp tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn an toàn thực phẩm) có những điểm không giống nhau. FSIS quy định nghiêm ngặt việc kiểm soát theo từng công đoạn (từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y đến vận chuyển, nhà máy…). Chỉ với những việc này đã làm tăng chi phí đầu vào trong quá trình nuôi. Thế nhưng, ngay cả nhà nhập khẩu bên Mỹ cũng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của FSIS, như việc chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cá tra phải có thiết bị chế biến riêng (thêm gánh nặng chi phí). Và việc kiểm soát chất lượng sản phẩm phải thực hiện cho đến khi hàng đến tay người tiêu dùng. 

Những người trong ngành ngầm hiểu rằng, với sự đan xen quyền lợi và việc vận động hành lang của Hiệp hội cá Nheo, những nhà làm luật Mỹ muốn bảo hộ ngành cá da trơn nội địa, nên đã đưa vào Đạo Luật Farm Bill 2008, tiền thân của Farm Bill 2014, ý tưởng về việc giám sát cá da trơn (catfish) như là cách tạo nên hàng rào kỹ thuật đối với cá tra nhập khẩu, vì trong bộ Siluriformes, cá xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ là cá tra Việt Nam.

8 năm và 2 năm?

 

* Từ đầu những năm 2000, Hiệp hội Cá Nheo Mỹ đã thắng kiện khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp mức thuế chống bán phá giá cá ba sa và cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Và từ đó đến nay, năm nào cũng tham khảo mức chi phí nuôi cá tra của một nước nào đó làm cơ sở để xem xét mức thuế từng năm. Vậy nhưng, dù chịu nhiều thiệt thòi như cấm sử dụng tên catfish, áp thuế chống bán phá giá cao, quy định đóng quỹ (tiền ký gửi trước ở ngân hàng)…, sản phẩm cá tra phi lê Việt Nam vẫn từng bước khắc phục và vào được thị trường này. Tất nhiên, tỷ lệ đã giảm xuống, không còn cao như trước đó. Thực chất của việc này, như ông John Connelly nhận định, là làm nản chí nhà xuất khẩu Việt Nam, kể cả nhà nhập khẩu Mỹ, với mục đích cuối cùng là hạn chế lượng cá tra phi lê Việt Nam vào thị trường này.

 

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam, cần khoảng thời gian bao lâu để cá tra Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu về sự tương đồng như quy định của FSIS, ông Fohn Connelly cho rằng, việc chứng minh sự tương đồng trong thời gian ngắn là rất khó. Chưa từng có nước nào ở Đông Nam Á đạt được sự tương đồng ngay. Những gì mà FSIS đã làm trước đó khi xem xét các bước để có thể được công nhận về sự tương đồng sản phẩm thịt heo, gà các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc khi được xuất vào thị trường Mỹ thì trung bình là 8 năm! Nhưng với việc đưa thêm cá da trơn vào quy định này và theo FSIS công bố, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có khoảng 2 năm để chuẩn bị. Nỗ lực của những người vận động chuyển việc kiểm soát cá da trơn sang USDA là để kiểm soát nghiêm ngặt hơn đã đạt được mục đích.

Thời gian hiệu lực của đạo luật này là từ tháng 3-2016, tức sau 90 ngày từ khi công bố (đầu tháng 12-2015), còn có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng, nên đến tháng 9-2017 mới chính thức áp dụng triệt để các quy định của FSIS. Thế nhưng, từ đầu tháng 3-2016, những loài cá da trơn bộ Siluriformes từ các nước, gồm cá tra Việt Nam muốn xuất khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự giám sát của FSIS. Đồng thời, từ nay đến trước ngày 1-3-2016, phía Việt Nam cần phải gửi danh sách các DN đang và mong muốn xuất khẩu vào Mỹ (tên, số lượng dự kiến). Các DN muốn xuất khẩu vào Mỹ nên có danh sách chung hoặc rút gọn thông qua Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep). Bộ hồ sơ chứng minh phải đáp ứng đủ quy định của FDA như có HACCP chứng minh đủ điều kiện để xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn chuyển tiếp, chứ chưa phải là hồ sơ chứng minh về sự tương đồng. Cũng theo ông John Connelly, USDA sẽ thẩm tra và đưa ra cho các bên liên quan của Mỹ góp ý kiến trước khi có quyết định. Nhưng ngay bây giờ, Vasep cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có chuyên gia phân tích cùng luật sư am hiểu để có thể chứng minh quy định về sự tương đồng này.

Sẽ chưa thể lường hết diễn biến tiếp theo vì còn chưa nắm rõ tất cả những quy định và yêu cầu cụ thể của FSIS, nhưng có thể thấy rằng, trong lúc cả Vasep và các DN chưa nắm hết các quy định cụ thể của FSIS mà chỉ có thời gian 2 năm chuẩn bị để được công nhận về sự tương đồng cách nuôi tại Việt Nam như ở Mỹ, là điều có thể nói là rất khó. Theo ông Nguyễn Phước Bửu Huy, Phó Tổng Giám đốc Cadovimex 2 (Đồng Tháp), DN không quá bất ngờ khi nhận thông tin xấu này so với lúc bị thua kiện chống bán phá giá cá tra vào đầu những năm 2000, vì điều này đã manh nha từ năm 2008 nên cộng đồng DN chuẩn bị trước tinh thần. Thế nhưng, thời gian quá ngắn như vậy sẽ là điều bất lợi để DN có thể bổ sung, đáp ứng các yêu cầu của FSIS. Và trong bối cảnh đó, nếu chưa thể được công nhận sự tương đồng sẽ đồng nghĩa với việc cá tra Việt Nam bị cấm cửa tại Mỹ, thị trường chủ lực thứ hai sau EU, khi chiếm khoảng 20% (tương đương khoảng 300 triệu USD) tổng lượng xuất khẩu cá tra sang các nước. Đây là thách thức rất lớn với ngành cá tra Việt Nam trong thời gian tới.

CÔNG PHIÊN


Đi ngược xu thế

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết chưa thể đánh giá hết tác động của việc chuyển kiểm soát cá da trơn từ FDA (của Bộ Y tế Mỹ) sang FSIS (Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA) với thời gian chuyển tiếp 2 năm. Vì không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra vào Mỹ mà việc này nếu không được giải quyết ổn thỏa, còn có thể ảnh hưởng đến việc nuôi và nhất là xuất khẩu sang các thị trường khác, khi mà nhà nhập khẩu các nước nhân sự việc này cũng làm áp lực để giảm giá nhập khẩu cá tra Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm vượt qua rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu nông sản mới đây do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư ITPC tổ chức, ông Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA), cho biết để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, các nước được cho phép thiết lập tiêu chuẩn riêng. Tuy nhiên, các quy định đó phải được dựa trên cơ sở khoa học. Các nước chỉ áp dụng trong phạm vi cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người hay động thực vật, nhưng không được tùy tiện hoặc vô căn cứ phân biệt đối xử giữa các nước có điều kiện trùng hoặc tương tự được áp dụng. Theo Vasep, việc xuất khẩu cá tra phi lê vào Mỹ gần 20 năm nay đều an toàn với sức khỏe người tiêu dùng Mỹ và các nước. Xét theo những điều này, theo ông John Connelly, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI), cho rằng một số những quy định của FSIS đi ngược lại quy định về SPS (Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động vật và thực vật) Vasep của WTO mà Mỹ và Việt Nam đều là thành viên, vì vậy Việt Nam cần tìm hiểu sâu hơn vấn đề này. Điều cần làm hiện nay là Vasep cùng Bộ NN-PTNT cần có chuyên gia trong ngành cùng đội ngũ luật sư thật sự am hiểu để phân tích những quy định của WTO, cũng như chứng minh về sự tương đồng như quy định của FSIS, từ đó có sự ứng phó phù hợp trong bối cảnh thách thức đang đe dọa đến sự ổn định của ngành hàng cá tra. Nhưng điều quan trọng cần nắm bắt ở đây là USDA xem xét và đánh giá sự tương đồng dựa trên quan điểm cấp chính phủ, việc áp dụng quy trình về việc nuôi cá tra có đáp ứng đầy đủ các quy định FSIS đặt ra hay không. Đồng thời, bên cạnh yếu tố kỹ thuật mà các doanh nghiệp phải tuân thủ, còn có những yếu tố khác liên quan. Vì vậy trong trường hợp này, Chính phủ, cụ thể là Bộ NN-PTNT, cần nhanh chóng vào cuộc với Vasep và các DN xuất khẩu thủy sản để bắt tay cùng giải quyết. Bộ NN-PTNT vừa có văn bản chỉ đạo cho các bên, cần có giải pháp nhanh và hiệu quả để chứng minh hệ thống nuôi và chế biến tại Việt Nam tương đồng với tiêu chuẩn của Mỹ.

Nhiều người cho rằng, với việc 12 nước vừa ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP, trong đó có Việt Nam và nhất là Mỹ có vai trò đầu tàu, thì quy định này phải chăng đã đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại của TPP?

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục