Năm 2025: Đưa môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực

Ngày 28-2, Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã công bố phương hướng hoạt động giai đoạn 2016-2024 và định hướng phát triển 2025-2030, tầm nhìn đến 2045.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội

Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN là đơn vị đầu mối triển khai các kỳ thi Đánh giá năng lực cho ĐHQGHN. Từ năm 2021, trung tâm đã tổ chức thi 150.840 lượt thi. Bên cạnh các trường/khoa của ĐHQGHN, số trường đại học, ngành đào tạo dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN ngày càng tăng, trong đó phải kể đến các trường khối quân đội. Tính đến thời điểm này, trong cả nước đã có gần 80 cơ sở giáo dục đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN làm phương án xét tuyển.

Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Khảo thí tổ chức thi kết thúc học phần trên máy tính cho gần 30.000 lượt sinh viên ĐHQGHN thi học phần Kinh tế Chính trị, Triết học Mác - Lênin, Nhà nước và Pháp luật đại cương, các học phần của các khoa, trường đại học thuộc ĐHQGHN.

Từ năm 2023, căn cứ kho dữ liệu kỳ thi đánh giá năng lực, Trung tâm Khảo thí thực hiện gửi báo cáo tư vấn giáo dục bậc THPT cho các sở GD-ĐT phía Bắc (Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…). Kỳ thi ngày càng lan tỏa, duy trì ổn định hàng năm, cung cấp nguồn tuyển chất lượng đầu vào đại học bằng kỳ thi đánh giá năng lực.

Năm 2024, Trung tâm Khảo thí sẽ giữ ổn định kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2023, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ thông tin cho kỳ thi đánh giá năng lực, đảm bảo an toàn, đồng bộ về dữ liệu và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh khi đăng ký và tham dự kỳ thi. Thời gian tới, trung tâm có giải pháp phân luồng khu vực hoặc kéo dài thời gian đăng ký ca thi để đảm bảo không có thí sinh không đăng ký được hoặc mất quá nhiều thời gian để đăng ký.

Về kế hoạch kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025, Trung tâm Khảo thí sẽ tiên phong trong công tác khảo thí của cả nước về cấu trúc bài thi, cách thức thực hiện, tổ hợp bài thi… Bài thi phục vụ xét tuyển đầu vào cho các trường trong và ngoài ĐHQGHN. Ngoài ra, trung tâm căn cứ vào thực trạng xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học, học viện khi có ký kết sử dụng kết quả thi của ĐHQGHN nhằm hỗ trợ thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn học bổng khác nhau.

Trong định hướng phát triển giai đoạn 2025– 2030, tầm nhìn 2045, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo cấu trúc bài thi đánh giá năng lực áp dụng từ năm 2025 để duy trì ổn định lâu dài; xây dựng bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào khối ngành khoa học sức khỏe và kiểm tra chứng chỉ nghề nghiệp đội ngũ cán bộ bác sỹ y khoa; xây dựng công cụ khảo thí tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực người lao động phục vụ doanh nghiệp tuyển dụng; tổ chức các kỳ kiểm tra đánh giá các chương trình đào tạo chuyên biệt; xây dựng ngân hàng câu hỏi và phối hợp tổ chức kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức của các bộ, ban, ngành và các cơ quan nhà nước; tổ chức thi bài thi ngoại ngữ phục vụ học sinh, sinh viên trong và ngoài ĐHQGHN; phát triển công cụ kiểm tra đánh giá quá trình học sinh bậc THPT và sinh viên đại học.

Ngoài ra, trung tâm sẽ tăng cường tổ chức liên kết đào tạo với các tổ chức khảo thí thế giới SAT, ACT, IELTS, TOEFT, TOEIC…

Đặc biệt, trong năm 2025, trung tâm sẽ áp dụng thêm môn ngoại ngữ vào tổ hợp thi đánh giá năng lực để phục vụ kỳ thi chung và đảm bảo cho các trường xét tuyển. Trung tâm phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) để xây dựng phương án tổ chức tốt nhất cho thí sinh.

ĐHQGHN sẽ hỗ trợ, đồng hành trong các công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo chuẩn hóa kỳ thi đánh giá năng lực nhằm xây dựng Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN trở thành tổ chức khảo thí uy tín trong nước và thế giới.

Tin cùng chuyên mục