Có thể nói, hiếm có một dịp kỷ niệm văn hóa nào để lại nhiều dấu ấn như đợt kỷ niệm 250 năm, năm sinh của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du vừa qua. Không đơn thuần là các lễ hội, hoạt động văn hóa để nhắc nhở về một vĩ nhân của dân tộc; hơn thế nữa, dịp kỷ niệm còn là cơ hội phát triển môi trường học thuật của giới nghiên cứu và cả những người dân bình thường yêu quý Nguyễn Du.
Lý do của việc kỷ niệm tạo nhiều dấu ấn nằm ở chính bản thân tác phẩm làm nên tên tuổi của ông: Truyện Kiều. Được đánh giá là kiệt tác của văn học Việt Nam, nhưng đến nay Truyện Kiều vẫn không có bản gốc, bản cổ nhất còn lưu trữ cũng được in sau khi tác giả mất gần 50 năm (bản khắc Nôm năm 1866) nhưng lại mất gần 900 câu do tài liệu bị hư hỏng. Chính vì thế, khác với các tác phẩm nổi tiếng khác thường chỉ tranh luận về nội dung, chi tiết thì với Truyện Kiều, một trong những vấn đề được nghiên cứu nhiều nhất là văn bản học. Mục tiêu quan trọng nhất của giới nghiên cứu Truyện Kiều là làm sao để tiếp cận càng sát với văn bản gốc càng tốt.
Việc thiếu hụt tài liệu gốc đã khiến quá trình hoàn nguyên trở nên phức tạp. Các nỗ lực tập hợp các dị bản để tìm một bản “gần gốc nhất”, kết quả thường ngược với mong muốn khi lại tạo ra một dị bản mới. Một trong những câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất trong năm kỷ niệm vừa qua là sự cố ấn bản Truyện Kiều do Hội Kiều học thực hiện (NXB Trẻ xuất bản) bị phản đối quyết liệt, dẫn đến phải hủy bỏ bản in đầu để chỉnh sửa, in lại. Sự việc còn đang gây xôn xao dư luận thì việc Công ty Văn hóa Nhã Nam in lại ấn bản Kiều năm 1925 với minh họa hình thiếu nữ khỏa thân được lấy từ tập tranh vẽ minh họa Truyện Kiều của các họa sĩ hàng đầu Việt Nam thực hiện năm 1942 lại gây “bão” trong dư luận. Một bên cho rằng, hình vẽ (dù ai vẽ) phản cảm, không phù hợp với một tác phẩm lớn; một bên cho rằng đó là nghệ thuật, người họa sĩ thể hiện qua hình ảnh cảm thụ của họ về Truyện Kiều.
Hai câu chuyện trên chỉ là một số ít trong vô vàn những tranh luận xung quanh tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du trong năm 2015. Trong số đó có rất nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các dị bản của Truyện Kiều. Các ý kiến tranh luận từ ôn hòa, nhẹ nhàng đến gay gắt khi viện dẫn nhiều kiến thức, các tài liệu lịch sử, văn bản…
Cuộc hội thảo do Trường ĐH KHXH-NV TPHCM vừa tổ chức với chủ đề “Kỷ niệm 250 năm, năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du” được đánh giá là cuộc hội thảo lớn nhất đồng thời cũng khép lại một năm kỷ niệm Nguyễn Du. Bên cạnh những vấn đề về tầm ảnh hưởng, về tư tưởng, nội dung tác phẩm thì một chủ đề được nhắc đến nhiều nhất chính là các nỗ lực tìm kiếm bản gốc tác phẩm của những người yêu Truyện Kiều trong cả nước. Các chuyên gia nhận định, dù kết quả vẫn còn khá xa vời nhưng ít nhất đã cho thấy nỗ lực nghiên cứu cũng như tình cảm, lòng đam mê và trên hết là một không khí học thuật mà Truyện Kiều đã mang lại cho tất cả mọi người.
Đó cũng chính là những gì mà một năm kỷ niệm Nguyễn Du đã đem đến cho không khí học thuật trong nước. Đó là tinh thần nghiên cứu, học tập, tìm hiểu sôi động. Và rằng ai cũng có thể hy vọng không chỉ với Nguyễn Du - Truyện Kiều mà không khí học thuật này sẽ tiếp tục phát huy với những tác phẩm khác, góp phần nâng cao, phát triển đời sống văn hóa trong nước.
TƯỜNG VY