Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là bước tiến mạnh mẽ về cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Đức Hiếu (ảnh), Trưởng ban phụ trách Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhấn mạnh:
Nhìn từ góc độ tư duy, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã thể hiện một quan niệm mới mẻ, đó là luật pháp được thiết kế để thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chứ không còn hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp trong phạm vi năng lực quản lý của nhà nước.
* Phóng viên: Ông có thể nêu ra những điều khoản cụ thể để minh chứng cho quan điểm này?
* Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Trước hết, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã thể chế hóa quyền tự do kinh doanh theo tinh thần Hiến pháp 2013. Theo đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ chỉ là tờ giấy khai sinh của doanh nghiệp theo đúng nghĩa “giấy khai sinh”, trên đó không ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Còn những lĩnh vực cấm thì đã được tập hợp, quy định rõ trong luật. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được công sức, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính mà còn có thể nắm bắt kịp thời mọi cơ hội kinh doanh mà không phải đối diện với rủi ro bị coi là “kinh doanh trái pháp luật”.
Tuy không phải là một nội dung cốt lõi, nhưng tôi cho rằng quy định về con dấu của doanh nghiệp trong luật này cũng là một nội dung đáng nói. Lần này, tuy chưa bỏ được con dấu, nhưng việc chỉ quy định nội dung tối thiểu trên con dấu và không yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký để “được” cấp dấu, quản lý con dấu có ý nghĩa lớn; giúp doanh nghiệp đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian. Dù còn liên quan đến nhiều điều luật khác, nhất là do thói quen lâu nay trong xã hội vốn coi con dấu như một vật “bảo tín”, nên chưa bỏ hoàn toàn; song việc thực thi quy định này sẽ đưa đến những thói quen, nhận thức mới, cách tiếp cận mới về con dấu. Khi các thủ tục, hoạt động giao dịch điện tử, online diễn ra ngày càng phổ biến thì con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa.
* Ngoài danh mục những lĩnh vực cấm không được làm, việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn phải tuân thủ những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa, thưa ông?
* Đúng vậy. Sẽ là không đầy đủ nếu không đề cập đến “người chị em” của Luật Doanh nghiệp là Luật Đầu tư, cũng vừa được Quốc hội thông qua. Luật này có sự bổ trợ rất tốt cho Luật Doanh nghiệp, bởi đây là lần đầu tiên đã tập hợp được một danh mục gồm 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khái niệm “có điều kiện” ở đây cần hiểu là những điều kiện trực tiếp, đặc thù cho ngành nghề đó, bên cạnh những điều kiện chung khác; để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người này không gây phương hại đến người khác, đến cộng đồng. Nhưng danh mục này mới là bước đầu. Để nó thực sự phát huy tác dụng trong đời sống thì Chính phủ sẽ phải công bố công khai cả những điều kiện kinh doanh cụ thể đối với những ngành nghề này nữa. Và bởi vì cuộc sống luôn vận động nên không thể chỉ đơn thuần tập hợp một lần, mà phải thường xuyên có sự rà soát, chỉnh sửa, bổ sung.
* Đây là một danh mục trong luật, vì vậy nó cần được Quốc hội xem xét thông qua, mà Quốc hội 1 năm chỉ họp 2 kỳ, như thế có đảm bảo tính kịp thời không, thưa ông?
* Tôi cho là 1 năm xem xét 2 lần là hợp lý, bởi sự ra đời của một ngành nghề mới cũng có thời gian hình thành và phát triển nhất định.
* Ban soạn thảo có lượng hóa được tác động của việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp sau khi hai đạo luật quan trọng trên được thông qua?
* Theo các tiêu chí của Ngân hàng Thế giới về đánh giá môi trường đầu tư, chúng tôi ước lượng sau khi luật được thực thi (với giả định là các nền kinh tế khác vẫn ở mức độ như hiện nay), Việt Nam có thể tăng 60 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh toàn cầu. Với độ trễ theo quy luật, khoảng năm 2016 - 2017 chúng ta sẽ được chứng kiến sự bứt phá này. Nhưng có một con số còn ấn tượng hơn: Việt Nam còn có thể thăng hạng tới 100 bậc, với các chế định bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn đã được thể hiện trong luật.
* Ông có thể nói rõ hơn không? Như vậy, tổng hợp lại, chúng ta có thể tăng tới 160 bậc?
* Đây là một con số dựa trên giả định các nước khác không có cải thiện môi trường kinh doanh so với hiện nay, dù điều này rất khó xảy ra. Tất cả các nền kinh tế đều phải nỗ lực không ngừng. Nhưng sự cải thiện là chắc chắn và đáng kể. Hiện nay chế định bảo vệ nhà đầu tư trong pháp luật Việt Nam bị coi là rất yếu, xếp trong khoảng 160 - 170/189 nền kinh tế được đánh giá. Với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), chúng ta đã nâng cao hiệu lực bảo vệ nhà đầu tư bằng cách bổ sung những quy định về minh bạch hóa thông tin, tạo thêm cơ hội cho cổ đông giám sát hoạt động của doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người quản lý để giảm khả năng lạm quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông khởi kiện trách nhiệm cá nhân người quản lý doanh nghiệp.
* Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi luật có hiệu lực, thưa ông?
* Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi gắm đến cộng đồng doanh nghiệp là khi họ được trao quyền tự quyết nhiều hơn thì họ cũng phải tự lập nhiều hơn; không thể ỷ lại, trông chờ vào cơ quan nhà nước được. Họ cần phải tích cực nắm bắt nhịp đập thị trường, tăng cường giám sát hoạt động của doanh nghiệp mình cũng như tìm hiểu kỹ càng, thấu đáo về các đối tác kinh doanh vì lợi ích của chính mình. Nói cách khác, luật mới đòi hỏi một sự thay đổi tư duy, không chỉ của cơ quan nhà nước mà của cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
* Xin cảm ơn ông!
ANH THƯ (thực hiện)