Tiếng nói của các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ TPHCM

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành

Trước giờ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2006-2010) chính thức khai mạc vào sáng nay (6-12), phóng viên báo SGGP đã phỏng vấn nhanh một số đại biểu về những vấn đề bức xúc đang được đảng viên toàn Đảng bộ và nhân dân TPHCM cùng quan tâm.
Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành

Trước giờ Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa VIII (nhiệm kỳ 2006-2010) chính thức khai mạc vào sáng nay (6-12), phóng viên báo SGGP đã phỏng vấn nhanh một số đại biểu về những vấn đề bức xúc đang được đảng viên toàn Đảng bộ và nhân dân TPHCM cùng quan tâm.

Đại biểu Võ Văn Thưởng, Bí thư Quận ủy quận 12:
Cần có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ cơ sở

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành ảnh 1

Thành tựu quan trọng nhất nhiệm kỳ qua là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn giữ vững ở nhịp độ năm sau cao hơn năm trước. Đây là một yếu tố rất quan trọng tạo sự “yên dân” và làm nền tảng để ổn định chính trị – xã hội của TP. Trong thành tựu quan trọng đó, không thể không nói đến vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, những người gắn bó trực tiếp với dân, truyền đạt, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Phần lớn cán bộ ở cơ sở luôn tự rèn luyện, trau dồi trình độ kiến thức để không ngừng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Mặc dù trong những năm qua, chúng ta đã ban hành nhiều chính sách quan tâm đến đội ngũ cán bộ cơ sở, song trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập – chủ yếu về cơ chế, chính sách trong đào tạo, bố trí sử dụng và đãi ngộ.

Thực tế này đã làm cho một bộ phận cán bộ hiện nay chưa thực sự an tâm công tác, chưa chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các phương pháp lãnh đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở.

Đại biểu Phùng Đình Thực, Bí thư Đảng bộ Khối dầu khí TPHCM:
Phối hợp tốt giữa kinh tế ngành và kinh tế thành phố

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành ảnh 2

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TPHCM nêu rõ thành phố tiếp tục động viên mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Ở đây, chúng tôi xin góp ý về sự phát triển nhanh, mạnh của công nghiệp khí đốt trong sự phối hợp tốt giữa kinh tế ngành và kinh tế thành phố vì công nghiệp khí đốt là một trong những nguồn lực cần được phát huy.

Mặc dù có vị trí địa lý gần nguồn khí, nhưng vì sao TPHCM chưa khai thác nguồn lực này? Tại sao khí – nguồn nguyên liệu sạch chưa tới TPHCM để thay thế các nhiên liệu cũ đang gây ô nhiễm môi trường? Có hai nguyên nhân: ngành dầu khí chưa cung cấp được khí tới TPHCM và TPHCM chưa có thị trường tiêu thụ khí. Như vậy, giữa kinh tế ngành và kinh tế thành phố chưa có sự gắn kết chặt chẽ, cùng nhau khai thác nguồn lực, cùng nhau phát triển. Khí đốt thiên nhiên là một lợi thế của nước ta.

Tại thềm lục địa phía Nam, các đánh giá hiện nay cho thấy tiềm năng khí lớn hơn dầu (55% - 60%). Đẩy mạnh khai thác khí là một bước đột phá trong ngành dầu khí. Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ VIII cần thảo luận những giải pháp để bứt phá, phát triển, trong đó có vấn đề hợp tác cùng phát triển giữa kinh tế ngành với kinh tế thành phố.

Quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa kinh tế ngành dầu khí và kinh tế TPHCM bên cạnh quan hệ truyền thống, đang dần chuyển sang giai đoạn mới thay đổi về chất. Dầu khí sẽ là nơi cung cấp nhiên liệu sạch, khí đốt tới TPHCM, cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu phát triển hóa chất, dược phẩm. Đồng thời dầu khí là nơi thu hút dịch vụ cao cấp từ thành phố như tài chính - ngân hàng ; sản phẩm cơ khí chế tạo; thiết bị điện tử – viễn thông – tin học; hóa phẩm... góp phần thúc đẩy 3 ngành công nghiệp mũi nhọn có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn mà thành phố đặt trọng tâm phát triển trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM:
Lao động là một yếu tố phát triển kinh tế

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành ảnh 3

Sự phát triển kinh tế của thành phố chúng ta trong thời gian qua có những đóng góp nhất định của nhiều tầng lớp đồng bào. Tuy nhiên, theo tôi sự đóng góp trực tiếp của công nhân viên chức – lao động cần phải được nhìn ở góc độ “nặng ký” hơn. Hơn nữa, trong các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, lao động cũng là một yếu tố “nặng ký”. Do vậy, cần xem lao động là một yếu tố đóng góp cho sự phát triển kinh tế.

Nói như vậy, để thấy rằng lâu nay trong các báo cáo chúng ta vẫn xem lao động chỉ là yếu tố xã hội, thể hiện qua việc giải quyết tình trạng thất nghiệp, tranh chấp lao động… Do đó, nếu xem nó là yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế thì chúng ta sẽ có những cách hành xử khác, tránh được các vấn đề tranh chấp lao động đình công, lãn công, tăng ca bất hợp lý …

Tôi mong rằng, đại hội lần này sẽ phân tích xem xét để nhiệm kỳ tới trong các báo cáo phải thể hiện lao động là một yếu tố kinh tế, chứ không phải xã hội, tức tăng yếu tố kinh tế của lao động. Việc Công đoàn tham gia HĐQT của doanh nghiệp (DN) là với tư cách yếu tố lao động để giúp đơn vị đó phát triển. Mà đáp án của nó chính là kết quả của các phong trào thi đua lao động sản xuất và kết quả cuối cùng là năng suất lao động.

Đại biểu Thân Thị Thư, Bí thư Quận ủy quận 3:
Đổi mới phương pháp lãnh đạo của cấp ủy

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành ảnh 4

Chúng tôi thấy rằng, phương thức lãnh đạo có hiệu quả hay không phụ thuộc vào bộ máy tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị. Từ thực tế qua các hội nghị BCH Đảng bộ quận 3, tôi thấy nhiều đồng chí ủy viên BCH thường chỉ phát biểu những vấn đề của ngành mình phụ trách, không phát biểu về lĩnh vực của đồng chí khác, nên nghị quyết của BCH chỉ là sự nhất trí của từng ủy viên BCH ở từng lĩnh vực.

Chúng tôi nghĩ muốn cho ủy viên BCH phát biểu được toàn diện, thì Thường vụ Quận ủy phải thật sự phát huy dân chủ nội bộ, cung cấp thông tin và phải có cách khơi gợi, có phân công chuẩn bị để phát huy trí tuệ BCH, có như vậy mới cải tiến và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của BCH.

Nên chăng trong quy chế làm việc của BCH quy định rõ trong các hội nghị định kỳ có phần ủy viên BCH đặt vấn đề để Ban Thường vụ giải đáp, nhất là vấn đề mà Ban Thường vụ đã giải quyết giữa 2 kỳ hội nghị của BCH, cụ thể là những vấn đề về công tác cán bộ và chỉ đạo giải quyết các công tác trọng tâm, trọng điểm, các vấn đề bức xúc.

Đại biểu Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư:
Chỉ cần... nhấn phím vi tính là có giấy đăng ký kinh doanh

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành ảnh 5

Hiện nay, việc cấp giấy đăng ký kinh doanh qua mạng đạt gần 45%, trong đó Công ty TNHH đạt gần 47,48%. Tuy nhiên, để đáp ứng đòi hỏi mà Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM đặt ra trong 5 năm tới, Sở KH-ĐT sẽ triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công cuộc cải cách hành chính với mục tiêu minh bạch, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo ra môi trường làm việc thông thoáng.

Sở KH-ĐT nâng cấp dịch vụ đăng ký kinh doanh qua mạng cho công ty TNHH, công ty cổ phần với nhiều tiện ích và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều hơn so với dịch vụ đang sử dụng. Việc chấp hành Luật Giao dịch điện tử góp phần làm rõ tính công khai trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó thúc đẩy thực hiện mô hình Chính phủ điện tử.

Sau này, nếu muốn hoạt động kinh doanh ở TPHCM, các doanh nghiệp chỉ cần nhấn phím vi tính, thực hiện gởi thông tin đăng ký kinh doanh qua mạng có kèm chữ ký điện tử thì sau thời gian ngắn sẽ nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo một phương thức tương tự mà một số nước trong khu vực đang làm.

Đại biểu Mai Trọng Sửu, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4:
Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi theo mô hình quản lý mới

Nâng cao vai trò và năng lực trong công tác lãnh đạo, điều hành ảnh 6

Thực hiện chủ trương chuyển đổi các DN nhà nước sang mô hình công ty mẹ – công ty con và tập đoàn kinh tế đa chức năng, thời gian qua nhiều DN gặp không ít khó khăn do cơ chế từ “phụ thuộc” chuyển sang tự chủ về các mặt sản xuất – kinh doanh. Rõ nét nhất là vấn đề vốn và các chính sách hỗ trợ về đầu tư, nâng cao năng lực quản lý DN. Đây là điểm yếu rất lớn làm mất khả năng cạnh tranh và hội nhập, nhất là đối với các DN xây dựng cơ bản.

Đơn cử như việc tham gia đấu thầu quốc tế xây dựng các công trình trọng điểm tại TPHCM vừa qua, phần lớn các DN Việt Nam đều thua ngay trên “sân nhà” và phải chấp nhận làm thuê cho các DN nước ngoài. Để trúng thầu thi công các công trình lớn, theo quy định phải thế chân từ 13% đến 17% giá trị công trình thì các ngân hàng mới bảo lãnh hợp đồng thi công và bảo lãnh dự thầu.

Để có khoản tiền này, các DN phải đi vay ngân hàng và đều bị “vướng” bởi quy định chỉ cho vay tối đa 7% giá trị tài sản thế chấp của DN. Đây là một khó khăn rất lớn khiến nhiều DN không thực hiện được – mà rõ nhất là ở dự án xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với vốn đầu tư hơn 200 triệu USD. Cũng chính vì không đủ tiền để được bảo lãnh thi công và dự thầu, nên các DN Việt Nam phải “nhường” lại hợp đồng cho phía nước ngoài và chấp nhận đi làm thuê cho họ.

NHÓM PVCT
 

Tin cùng chuyên mục