Dự luật này sẽ được trình Chính phủ trong quý 3-2017 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018.
Nước ngọt chịu thuế TTĐB Theo dự kiến của Bộ Tài chính sẽ áp dụng mức thuế suất 10% với nước ngọt từ năm 2019. Lý do được đưa ra là tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3%. Tại TPHCM tỷ lệ này là 10,8% - cao hơn mức trung bình của châu Á và các nước phát triển (trung bình toàn cầu là 6,9%). Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh như: tim mạch, huyết áp, xơ vữa… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc lạm dụng nước ngọt sẽ dẫn đến béo phì và tiểu đường.
Dự thảo đưa toàn bộ nước ngọt vào chịu thuế
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, trước đây đề xuất nước ngọt có ga nhưng nay, dự thảo đưa toàn bộ nước ngọt vào chịu thuế. Mục tiêu để điều tiết tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu thuế suất TTĐB 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc; nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD/chai 440cc. Lào thu thuế TTĐB với nước ngọt có ga không cồn là 5% và nước tăng lực 10%. Pháp thu thuế TTĐB với mức tuyệt đối 0,72 EUR/lít. Phần Lan thu thuế TTĐB với mức 0,075 EUR/lít…
Để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đề xuất phương án áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/1 điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ 1-1-2020.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, phù hợp với thực tế quản lý, Bộ Tài chính đề nghị quy định doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%; doanh nghiệp nhỏ và vừa (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%.
Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập công ty con để hưởng chính sách nêu trên, theo ông Phạm Đình Thi, dự thảo quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình mẹ - con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên (tỷ lệ này được xác định theo Nghị định 20 về xác định doanh nghiệp có giao dịch liên kết).
Giãn khoảng cách số bậc chịu thuế từ 7 xuống 5
Đối với thuế TNCN, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng: giảm số bậc thuế từ 7 xuống còn 5 bậc, đồng thời quy định khoảng cách rộng ở các bậc thuế thấp; điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn. Cụ thể: bậc 1 áp dụng phần thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng chịu thuế 5%; thu nhập từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng thuế suất 10%; trên 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/tháng là 20%; trên 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng/tháng là 28%; trên 80 triệu đồng/tháng là 35%. Theo ông Phạm Đình Thi, do mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng hiện vẫn phù hợp nên bộ không đề xuất sửa nội dung này. Theo biểu thuế tại Luật thuế TNCN, biểu thuế lũy tiến từng phần có 7 bậc. Trong đó, bậc 1 có phần thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng/tháng chịu thuế suất 5%; bậc 2 là trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng thuế suất 10%...; và bậc 7 phần thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng thuế suất là 35%.
Bộ Tài chính cho rằng, với phương án sửa đổi biểu thuế lũy tiến như trên, hầu hết các cá nhân sẽ được giảm số thuế phải nộp so với hiện nay bởi khoảng cách giãn cách giữa các bậc thuế thu nhập đã được nới rộng và thuế suất điều chỉnh ở các bậc thuế kéo về mức thuế suất thấp hơn. Vì vậy, việc bỏ quy định quyết toán thuế sẽ ít ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân. Do đó, các văn bản hướng dẫn sẽ quy định các nội dung như: cá nhân làm việc có ký hợp đồng lao động tại nhiều nơi thì tính thuế TNCN hàng tháng theo biểu lũy tiến tại từng nơi và cuối năm không phải gộp chung để tính lại; đối với thu nhập vãng lai (không ký hợp đồng lao động) thì khấu trừ theo thuế suất 10% với thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên từng lần chi trả, không được tính giảm trừ gia cảnh, kể cả thu nhập từ nhiều nguồn; cá nhân chỉ được tính giảm trừ gia cảnh tại 1 nơi có tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa quy định mức thuế suất đối với thu nhập từ trúng thưởng. Cụ thể, theo bộ này, từ khi Việt Nam có mô hình trả thưởng của xổ số Vietlott, có ý kiến cho rằng tỷ lệ đóng thuế ở Việt Nam quá ít so với ở Mỹ. Vì vậy, dự thảo đề xuất thu nhập đến 5 tỷ đồng chịu thuế suất 10%; trên 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng là 20%; trên 10 tỷ đồng là 30%.