Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó phòng Thị trường, đại diện VISSAN, trong những ngày qua, lượng thịt heo cũng như các sản phẩm chế biến từ thịt của doanh nghiệp này sản xuất vẫn tiêu thụ ổn định. Nguyên nhân là do VISSAN có nguồn nguyên liệu heo hơi chủ yếu từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.
Đây là những vùng không có dịch bệnh, đồng thời cũng là vùng có nhiều hoạt động thương mại, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm làm từ heo nên kế hoạch ứng phó với bệnh dịch tả rất nghiêm ngặt.
Ngoài VISSAN, tại các siêu thị, nguồn thịt heo an toàn của các doanh nghiệp chế biến khác vẫn tiêu thụ ổn định. Theo các siêu thị, những sản phẩm này đều được nhà cung cấp cam kết đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá cả thị trường, đạt chất lượng, không có dịch bệnh.
Các doanh nghiệp sản xuất cũng cam kết quy trình khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, sản xuất đến phân phối với mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “Từ trang trại đến bàn ăn”.
Thời gian gần đây, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đang có nguy cơ lan rộng khắp cả nước, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi Việt Nam, khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang và bất an trong việc chọn mua thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo. Trước thực trạng này, Cục Thú y đã chính thức khẳng định, dịch tả heo châu Phi hoàn toàn không lây sang người, nên người tiêu dùng có thể sử dụng thịt heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Thực tế, thời gian qua, không ít người tiêu dùng vẫn ngại với các món ăn chế biến từ thịt heo. Vì vậy, việc tiêu thụ cũng vẫn bị ảnh hưởng phần nào vì tâm lý của người tiêu dùng.
Song, các chuyên gia y tế cho rằng, dù trong thời điểm có dịch bệnh hay không có dịch bệnh, thì trong quá trình chế biến thức ăn, người tiêu dùng đều phải tuân thủ việc nấu chín, tránh ăn các món ăn làm tái hoặc sống. Bởi, bản chất các loại thịt dù không có dịch bệnh thì việc ăn sống đều không đảm bảo về tính an toàn.