(SGGP).- Ngày 22-11, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung bản dự thảo Thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện”.
Tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Thông tư còn nhiều bất cập. Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, phân tích: “Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 của dự thảo thông tư, trường hợp ô tô bị hủy hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị giam giữ, bị tai nạn không sử dụng từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí tương ứng với khoảng thời gian không sử dụng. Như vậy, xe bị hủy hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị giam giữ, bị tai nạn dưới 30 ngày vẫn phải đóng phí hay sao? Theo tôi, nên quy định thời gian không nộp phí đối với các trường hợp này tính theo ngày xe không sử dụng đường bộ”.
Còn ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đà Nẵng, cho rằng: Về mức phí cần phải có cơ sở tính toán khoa học giữa các đối tượng chịu phí như trọng tải, diện tích chiếm dụng mặt đường… chứ không thể áp dụng một cách chung chung. Mặt khác, trong Điều 8 của dự thảo quy định mức trích lại từ quỹ thu được cho các cơ quan chức năng là quá nhiều nên nguồn quỹ thu về để thực hiện việc duy tu, sửa chữa hạ tầng giao thông rất ít.
Điều này sẽ làm cho chất lượng đường sá khó tốt lên. Như vậy, hiệu quả của quỹ bảo trì đường bộ sẽ không đạt kết quả cao như mong muốn.
Nhiều đại biểu còn đề nghị cơ quan chức năng xem xét phương thức thu, cũng như vấn đề quản lý nguồn quỹ sao cho công bằng, minh bạch. Ông Trương Trí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, cho rằng: “Để đảm bảo công bằng trong xã hội, về phương thức thu nên thu qua xăng dầu chứ không thu qua đầu phương tiện như dự thảo đưa ra”. Đồng quan điểm này, ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nhấn mạnh: “Việc đóng phí, thuế để phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng cần phải công khai, minh bạch, công bằng trong cách thu và phương thức thu”.
Ông Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty Vận tải Trung Việt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lo lắng: Dù Bộ GTVT có nói khi thu phí đường bộ sẽ bỏ các trạm thu phí nhà nước. Nhưng trên thực tế, hiện nay trên các tuyến đường đa số là trạm thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT. Do đó, nếu triển khai thu phí đường bộ qua đầu phương tiện là không hợp lý và sẽ gây nên tình trạng “phí chồng phí”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh TPHCM, nhấn mạnh: “Vấn đề phí bảo trì đường bộ là một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp vận tải mà ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, những ý kiến đóng góp của các đơn vị hiệp hội và doanh nghiệp vận tải tại hội nghị này, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét điều chỉnh. Trước hết là kiến nghị lùi thời hạn thu phí từ 1-1-2013, cũng như xem xét phương thức thu qua xăng dầu”.
Đình Lý