Nhu cầu hồi hương của Việt kiều là rất lớn. Tuy nhiên, quá trình xuất nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam, nhiều bà con lại có sơ suất đáng tiếc dẫn tới vi phạm quy định về xuất nhập cảnh, cư trú. Vậy, đâu là lợi thế cần sử dụng và tránh những sơ suất ấy? Đại tá Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TPHCM cho biết:
Lượng người nhập cảnh vào TPHCM trong năm qua tăng trên 20%, cao nhất trong 3 năm gần đây. Chỉ riêng cửa khẩu Tân Sơn Nhất, có khoảng 500.000 lượt người nhập cảnh, khoảng 70% về TP cư trú. Khi tôi đang trao đổi với các bạn, có khoảng 100.000 người nước ngoài lưu trú trên địa bàn TP, trong đó có trên 20.000 Việt kiều (cư trú bằng hộ chiếu nước ngoài) và hàng ngàn người cư trú bằng hộ chiếu Việt Nam, chưa kể 4.000 Việt kiều đã hồi hương. Đa phần bà con nhập cảnh về thăm thân nhân, một bộ phận còn lại là lao động hay đầu tư.
- Phóng viên: Rất nhiều bà con hồi hương Việt Nam thường có 2 tên gọi. Điều này có gây phiền phức không?
>> Đại tá NGUYỄN VĂN ANH: Khi xuất nhập cảnh mà có 2 tên gọi khác nhau thì làm sao chứng minh được hai người là một? Chúng tôi đã tháo gỡ bằng cách, ngoài việc trình bày cam kết, khi làm CMND, bà con cần đề nghị cấp giấy CMND đồng thời có 2 tên (có phần tên gọi khác). Như vậy, lúc làm hộ chiếu, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để cấp cho bà con cả tên Việt Nam và có cả tên nước ngoài.
- Bà con khi hồi hương Việt Nam thường lo ngại về việc liệu có bị giữ hộ chiếu nước ngoài không?
Tôi khẳng định là hoàn toàn không bị giữ hộ chiếu. Bà con đồng thời có quốc tịch Việt Nam, giữ hộ chiếu Việt Nam và có quốc tịch nước ngoài, vẫn giữ hộ chiếu nước ngoài. Bà con là công dân của hai quốc gia xuất nhập cảnh vô cùng thuận lợi.
- Song cũng có không ít trường hợp công dân của hai quốc gia lại bỗng dưng gặp rắc rối vì sử dụng 2 hộ chiếu “tiền hậu bất nhất”?
Theo quy định, nhập cảnh bằng hộ chiếu nào, xuất cảnh bắt buộc phải dùng hộ chiếu đó. Trường hợp dùng hai hộ chiếu, vừa hộ chiếu nước ngoài, vừa hộ chiếu Việt Nam thì sẽ bị lập biên bản, trở thành rắc rối. Cụ thể, mặc dù bà con có hộ chiếu Việt Nam nhưng lại dùng hộ chiếu nước ngoài để nhập cảnh, lúc đó, về mặt xuất nhập cảnh, bà con là công dân nước ngoài thì hộ chiếu Việt Nam, lúc làm thủ tục xuất cảnh, sẽ không được thừa nhận về mặt xuất nhập cảnh. Vì thế, nếu khi xuất cảnh lại dùng hộ chiếu Việt Nam thì đó là sơ suất đáng tiếc.
Số lượng bà con xin cấp hộ chiếu ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng rất cao trong thời gian qua. Riêng TPHCM, đã tiếp nhận hơn 600 yêu cầu của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xác minh nhân thân lai lịch, quốc tịch của bà con chúng ta (chưa kể các trường hợp đã đủ giấy tờ chứng minh không cần xác minh ở trong nước). Hiện bà con làm hộ chiếu Việt Nam chủ yếu để thủ sẵn chứ lại thường quên đó là phương tiện rất hữu hiệu khi về quê. Nếu bà con có hộ chiếu Việt Nam, bà con hãy về nước bằng hộ chiếu ấy. Lúc đó, thủ tục thuận lợi hơn rất nhiều.
- Nhiều bà con sợ mất quốc tịch Việt Nam nên có mong muốn về nước để giữ quốc tịch?
Bà con vẫn còn tâm trạng cứ phải về mới giữ được quốc tịch, chứ ở nước ngoài lại cảm thấy không yên tâm. Tôi khẳng định, về nước không phải là cách duy nhất để giữ quốc tịch! Theo quy định, bà con có thể đến cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đăng ký giữ quốc tịch chứ không nhất thiết phải hồi hương mới giữ quốc tịch. Năm 2013, TPHCM có 533 Việt kiều được hồi hương (trong số 565 hồ sơ đề nghị), giảm nhẹ so với 2012, tăng so với các năm trước. Con số này chưa phản ánh hết được số nguyện vọng, nhu cầu hồi hương của bà con. Đặc biệt, riêng diện bà con đã hồi hương như 533 trường hợp năm 2013, đã làm lại chứng minh, hộ khẩu, cấp lại hộ chiếu, nghĩa là trở thành công dân Việt Nam thì bà con phải dùng hộ chiếu Việt Nam, xuất nhập cảnh như công dân Việt Nam ở trong nước. Thời gian qua, nhiều bà con dùng hộ chiếu nước ngoài cấp để xuất nhập cảnh là sai. Hiện nay ở cửa khẩu vẫn tuyên truyền, chưa xử lý vi phạm này. Bà con cần chú ý trong thời gian tới.
- Bà con nhập cảnh chủ yếu về thăm thân nhân. Tuy nhiên, theo quy định, hạn là 3 tháng. Có ít quá không, thưa đại tá?
Đây là thời gian khá ngắn, nhất là với người già và trẻ em đang đi học. Chúng tôi giải quyết rất linh hoạt, trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài 6 tháng, 1 năm. Đó là những người thăm thân nhân trực hệ (cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái). TP cũng có rất nhiều trẻ em đang tuổi đi học lại mang quốc tịch nước ngoài, dù có cha mẹ là Việt Nam. Trường hợp này, chúng tôi đều linh hoạt gia hạn tạm trú thời gian tối đa cho bà con.
| |
ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)