Nếp nhà lưu dấu tiền nhân

Dấu ấn văn hóa theo chân người mở cõi, hòa quyện vào vùng đất Nam bộ và tín ngưỡng dân gian của vùng đất mới cũng ghi đậm dấu ấn một thời khai hoang lập ấp, với những mái đình che chở tinh thần người dân. Ở đất Sài Gòn - Gia Định xưa, TPHCM hôm nay, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt quen thuộc với người thành phố bằng tên gọi “Lăng Ông - Bà Chiểu”, lưu dấu tiền nhân một thời xuôi về phương Nam mở mang bờ cõi.
Nghi thức tế, lễ tại Lễ giỗ thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tổ chức ngày 26-8-2022, nhằm ngày 29 tháng 7 âm lịch tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nghi thức tế, lễ tại Lễ giỗ thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tổ chức ngày 26-8-2022, nhằm ngày 29 tháng 7 âm lịch tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nét xưa trong nếp nhà nay

Ngày 22-4-2022, Lễ Khai hạ - Cầu an Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ Khai hạ - Cầu an thường diễn ra vào mùng 7 tháng giêng âm lịch hàng năm. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn và gắn bó mật thiết, thể hiện sống động hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống của nhân dân. Lễ hội được chia thành nhiều phần khác nhau như: hạ nêu, khai hạ, khai bút, khai án… Đây là điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ và TPHCM để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa và kỳ vọng một năm mới, công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông; thể hiện sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong lao động, trong đời sống sinh hoạt và bảo vệ đất nước.

Không câu nệ lễ cúng bài bản hay mâm quả ê hề, nén nhang cùng lòng thành mong một năm trọn vẹn bình an, bà Nguyễn Thị Chúc (55 tuổi, ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) viếng Lăng Ông - Bà Chiểu ngày 1-8 âm lịch (lễ giỗ thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt), chia sẻ: “Tôi nhỏ lớn ở đây, ra vô Lăng Ông hoài, từ đời ba má tôi đã có thói quen này, đầu năm viếng Lăng Ông, đến mùng 1-8 giỗ ông cũng tranh thủ đến. Trước là thắp nhang, sau là cầu một năm bình an, mưa thuận gió hòa, mần ăn buôn bán thuận lợi”.

Lăng Ông - Bà Chiểu quen thuộc với người dân Nam bộ bởi những câu chuyện dân gian. “Tôi dân lao động, có nghiên cứu gì đâu, chỉ biết trong này thờ Đức ông Lê Văn Duyệt, người có công khai mở vùng đất này. Không cần tết nhất hay đám giỗ Ông, nói thiệt, bữa nào bán ế ế, tôi cũng ghé vô Lăng đốt nhang cầu Ông phù hộ. Mà tôi thấy nhiều người cũng vậy. Ai mần ăn buôn bán lớn thì cúng lớn, còn không thì dĩa trái cây là được rồi. Quan trọng là lòng thành, mình đến thắp một cây nhang cũng đủ”, ông Phạm Văn Tấn (50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) kể.

Văn hóa đình làng Nam bộ 

Một nét đặc trưng trong tín ngưỡng dân gian Nam bộ, ngôi đình thờ vị Thành Hoàng Bổn Cảnh (có nơi gọi là Thần Hoàng Bổn Cảnh) để tưởng nhớ tiền nhân khai hoang lập ấp, hay một vị quan nào đó có công trạng với xóm làng. Trong nếp sinh hoạt văn hóa đó, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt như một nơi mang nét điển hình mở rộng ra các thiết chế tín ngưỡng dân gian, khi văn hóa thờ cúng ở đình làng trở thành một phần sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng. 

Sau phần xây chầu, đại bội, tuồng San Hậu bắt đầu trong Lăng Ông - Bà Chiểu vào lễ giỗ lần thứ 190 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Bà Trần Thị Ba (64 tuổi, ngụ phường 7, quận Bình Thạnh) kể: “Xưa nay, khán giả coi hát bội ở Lăng Ông đông dữ lắm, vì đoàn hát được hát ở đây là đào kép giỏi mới được biểu diễn, có lớp lang, bài bản hay, chứ không phải ai muốn hát cũng được đâu. Tuồng hát mấy chục năm rồi vẫn vậy thôi, tôi cũng thuộc lòng. Gian thần thì làm sao mà tồn tại được, ở đời mình cũng phải lựa cái hay cái tốt mà học theo”. 
Tham luận tại Tọa đàm khoa học Tả quân Lê Văn Duyệt - Cuộc đời và Di sản do Trường Đại học KHXH-NV TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Tôn giáo Đông Nam Á, Bộ KH-CN tổ chức, PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng (Đại học KHXH-NV TPHCM) phân tích: “Thực tế cho thấy, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt vừa là nơi sinh hoạt thờ cúng, tưởng niệm, vừa là một thiết chế tín ngưỡng dân gian mang tính chất một ngôi đình, trong đó đối tượng cử lễ chính, nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt đã mang tính chất một vị thần Thành Hoàng của làng theo nghĩa rộng, tức của cả vùng Nam bộ. Ở đây phải nhấn mạnh, theo tinh thần như mỹ tự trong sắc phong của triều đình phong kiến từng ban tặng cho các thần Thành Hoàng là “hộ quốc tý dân” (có công trạng hết lòng phò nước và che chở cho dân)”. 

Và chính từ nét sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm dấu ấn đình làng Nam bộ, hát bội trong Lăng Ông - Bà Chiểu trở thành lớp ký ức được mong đợi của nhiều thế hệ người dân thành phố. Những tuồng tích, điệu bộ không chỉ phục vụ cho nghi thức lễ cúng, chất chứa những bài học về lẽ phải, đạo hiếu trong gia đình… Nhiều tài liệu lịch sử lẫn những giai thoại dân gian kể lại, sinh thời, Tả quân Lê Văn Duyệt rất thích tuồng San Hậu, tuồng hát không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn lồng ghép mục đích giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức đạo lý làm người. 

Không phải ngẫu nhiên mà trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề bản sắc dân tộc được nhiều quốc gia chú trọng. Văn hóa truyền thống trong gia đình, phong tục thờ cúng tổ tiên đến các bậc tiền nhân mở cõi… cần được giữ gìn và phát huy hơn nữa, để lớp trẻ ngày nay ý thức hơn về nguồn cội, một phần giá trị quan trọng của bản sắc văn hóa cộng đồng trong quá trình tiếp biến và hội nhập văn hóa. Rõ ràng, những tín ngưỡng văn hóa dân gian ngàn xưa, càng có ý nghĩa đặc biệt trong nhận thức, ý thức và tâm thức của người Việt hôm nay.

Ông HOÀNG LONG VÂN, Tổng Thư ký Viện Lịch sử dòng họ: Sống trong tâm thức người Việt

Sau 148 năm tồn tại và là khu lăng mộ cổ xưa nhất TPHCM, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt trở thành nơi thờ tự linh thiêng và được người dân thành phố nói riêng và Nam bộ nói chung, vô cùng kính ngưỡng. Một trong những hoạt động cúng lễ thu hút người dân là xin xăm Tướng quân Linh sám để đón lành tránh dữ và tu thân, để thêm phần tự tin hoặc dè chừng việc chưa tốt trong đời sống và công việc của mọi người. Đức Tả quân Lê Văn Duyệt được tôn thờ như một vị thần linh, kính ngưỡng long trọng không khác những tôn giáo chính của người Việt và luôn sống trong tâm thức người Việt một cách vững bền.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TƯ, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ: Lễ Khai hạ - Cầu an có ý nghĩa quan trọng

Lễ Khai hạ - Cầu an ở Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt vào dịp đầu năm, với nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu và muôn dân ấm no. Trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước, Lễ Khai hạ - Cầu an càng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân Nam bộ, mọi hoạt động làm ăn đều bắt đầu sau ngày hạ nêu và khai hạ. 

Ông TRẦN HỮU PHÚC TIẾN, nhà nghiên cứu văn hóa: Bồi đắp những lớp “phù sa văn hóa”

Đầu thế kỷ 19, đất phương Nam được nhà Nguyễn giao trọng trách quản trị toàn quyền cho một vị khai quốc công thần trong một khoảng thời gian dài, đó là Tả quân Lê Văn Duyệt, người sinh ra ở đất Tiền Giang. Vào các năm 1812-1815 và 1820-1832, ông nhậm chức Tổng trấn Gia Định, tổng cộng là 15 năm. Suốt thời gian ấy, vị tổng trấn nổi tiếng là dũng tướng và quan chức công minh đã có nhiều đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh trật tự của miền đất mới. Bản thân Lê Văn Duyệt - người được dân gọi kính trọng là Ông Thượng, là nhân tố bồi đắp những lớp “phù sa văn hóa” độc đáo và quý báu cho Sài Gòn - Gia Định và cả Nam kỳ. 

Ông TRẦN VĂN SUNG, Trưởng ban Quý tế di tích lịch sử, văn hóa Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt: Nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian Nam bộ

Các hình thức tế lễ ở Lăng Tả quân là nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân Nam bộ từ xưa đến nay. Dù là sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, các thế hệ tiếp nối trong ban quý tế luôn gìn giữ và truyền dạy đầy đủ các nghi thức cúng, tế ở Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây là nét sinh hoạt đặc trưng trong đời sống tinh thần của người dân phương Nam, vì thế mà các loại bánh cúng ông cũng là những loại bánh dân gian Nam bộ, nhắc nhở người ta về một nét văn hóa khéo léo làm ra những món bánh ngon từ hạt gạo, hạt nếp từ ngày xưa.

Tin cùng chuyên mục