Nét đẹp văn hóa đọc

Nét đẹp văn hóa đọc

Hội sách TPHCM lần thứ VI đã khép lại nhưng dư âm của ngày hội sách vẫn còn đọng lại bởi hình ảnh sống động của một lễ hội văn hóa đọc giữa lòng thành phố. Và có đến đây mới hiểu: Văn hóa đọc vẫn tràn đầy sức sống dù đang bị lấn át mạnh của văn hóa nghe nhìn, của văn hóa kỹ thuật số.

Với chủ đề “Sách – Tri thức – Hội nhập và phát triển”, Hội sách TPHCM từ ngày 15 đến 21-3 tại công viên Lê Văn Tám tập trung 150 đơn vị tham gia với 471 gian hàng, thu hút hơn 700.000 lượt người đến tham quan. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động giao lưu với các tác giả trong và ngoài nước như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, dịch giả Đào Bạch Liên, ông Vikrom Kronadit với tác phẩm Tay không gây dựng cơ đồ…

Không khí hội sách, gian hàng sách Thành Nghĩa tại hội sách. Ảnh: VĂN PHONG

Không khí hội sách, gian hàng sách Thành Nghĩa tại hội sách. Ảnh: VĂN PHONG

Hội sách thực sự là dịp để các nhà sách, các nhà xuất bản trong và ngoài nước có điều kiện trao đổi, ký hợp đồng xuất bản các đầu sách mà bạn đọc đang quan tâm và để nắm bắt nhu cầu bạn đọc. Hội sách cũng chính là cơ hội để các nhà xuất bản giới thiệu – tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hình ảnh của mình trên thị trường.

Nếu Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa đã thiết kế 3 gian hàng của mình như không gian trong nhà sách đích thực tạo sự gần gũi cho người yêu sách thì Fahasa TPHCM lại gây ấn tượng bằng sự hoành tráng, bề thế của thương hiệu với các gian hàng sách lớn và tạo hình Khuê văn các, chợ Bến Thành bằng sách. Có 10 đơn vị đạt doanh thu cao nhất tại hội sách lần VI, trong đó đứng đầu là Fahasa TPHCM với doanh số bán ra đạt 8,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Cứ, chủ Nhà sách Quang Minh, nói: “Chúng tôi đã 6 lần tham gia hội sách, lần này với 4 gian hàng, số đầu sách tăng hơn 20% so với lần trước”.

Khách tham quan nhận xét công tác tổ chức cũng tốt hơn các lần trước như đường ống dẫn nước tỏa ra hơi nước mát lạnh chạy trước các gian hàng, từ khâu giữ xe cho đến bộ sưu tập hình ảnh của một Hà Nội xưa trưng bày ngay hai bên lối vào, giữa không gian xanh của hoa, cỏ và cây xanh làm cho công viên Lê Văn Tám trở thành một không gian văn hóa gần gũi.

Chúng tôi đã 4 lần vào Hội sách TPHCM lần VI và lần nào cũng bị lôi cuốn bởi những hình ảnh đẹp tại hội sách. Khi thì một bà cụ tóc đã bạc, miệng đã móm mém nhưng cũng say sưa gom một bộ sách giảm giá. Hay hình ảnh một ông khách xách nặng 2 “bồ sách” với khuôn mặt rạng rỡ. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh các em học sinh phổ thông và sinh viên đứng đọc say sưa ngay tại bàn sách và đọc trên lối đi, dưới gốc cây, bên bồn hoa… Nghĩa là văn hóa đọc hiện diện mọi nơi, mọi lúc và với tất cả cung bậc tình cảm vốn có của nó. Những hình ảnh mà thường ngày, giữa thành phố đông đúc, ồn ào và giữa sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nghe nhìn hiện đại, người ta cứ tưởng đã bị mai một.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thạc San (Hiệu phó Trường Cao đẳng Công thương TPHCM) tâm sự: “Tôi đến đây mua gần 2 triệu đồng tiền sách là vì có nhiều sách mà ngày thường rất khó tìm, như sách của các tác giả đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh như Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Phạm Huy Thông hay sách của Đại học Havard mà lại được bán giảm giá; một số cuốn ngày thường muốn tìm mua nhưng không thấy và không phải lúc nào cũng đủ tiền mua”.

Có đến hội sách lần này mới thấy được niềm đam mê đọc sách của người thành phố và nó làm chính người thành phố cũng bất ngờ khi trong 2 ngày cuối, dù tiết trời nóng nực nhưng người ra vào nườm nượp, có khi phải chen nhau nhưng vẫn hào hứng tìm sách. Không ít nhà sách đã bán được số lượng đáng kể sách tồn bằng hình thức giảm giá.

Từ thành công của Hội sách TPHCM lần VI chúng ta hy vọng văn hóa đọc chẳng những không mai một mà còn thăng hoa trong giai đoạn hôm nay và mai sau.

V.Phong – Tr.Nguyên

Tin cùng chuyên mục