Nga - Ấn Độ: Tăng hợp tác quân sự, kinh tế

Trong 2 ngày 10 và 11-12 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Ấn Độ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn thường niên lần thứ 15. Đây là cơ hội để Nga tăng cường hợp tác với quốc gia Nam Á đầy tiềm năng này, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây đang bao vây trừng phạt Nga.
Nga - Ấn Độ: Tăng hợp tác quân sự, kinh tế

Trong 2 ngày 10 và 11-12 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Ấn Độ và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn thường niên lần thứ 15. Đây là cơ hội để Nga tăng cường hợp tác với quốc gia Nam Á đầy tiềm năng này, đặc biệt trong bối cảnh phương Tây đang bao vây trừng phạt Nga.

Sự kiện này thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, trong đó Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Ấn Độ về chuyện hợp tác với Nga.

Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Ấn Độ N.Modi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới 2014 tại Brazil.

Ký 15 văn kiện thỏa thuận hợp tác

Theo Financial Express, Nga và Ấn Độ dự định ký 15 văn kiện thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, như: quân sự, năng lượng hạt nhân, kinh tế... Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã từng tuyên bố chuyến thăm của Tổng thống Nga lần này cho phép phác thảo tương lai quan hệ giữa hai nước trong những năm tới.

Trong các lĩnh vực hợp tác, hai bên dành nhiều sự quan tâm cho quân sự. Theo nhiều nguồn tin, việc Nga và Ấn Độ cùng bắt tay sản xuất máy bay tại quốc gia Nam Á được New Delhi rất quan tâm, bởi đây là một phần trong chiến lược “Make in India” nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân Ấn Độ cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất máy bay cho Ấn Độ. Hai bên đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy sản xuất máy bay cho mục đích dân sự và quân sự tại Ấn Độ, như: máy bay thương mại Sukhoi Superjet-100 và trực thăng KA-226.

Mátxcơva và New Delhi cũng đang triển khai liên doanh sản xuất đạn dành cho pháo xe tăng cỡ 125mm, được trang bị cho xe tăng T-90 của quân đội Ấn Độ. Hợp đồng này đã được ký kết giữa xưởng quân giới Kolkata (Ấn Độ) và Rosoboronexport (Nga). Cơ sở sản xuất đạn sẽ đặt trên lãnh thổ Ấn Độ và sử dụng công nghệ của Nga. Trong khi đó, Tập đoàn Kalashnikov đang tiếp tục đàm phán về việc thành lập xí nghiệp liên doanh sản xuất súng tiểu liên các loại ở Ấn Độ. Đại diện tập đoàn trên cho hay, nếu thỏa thuận được ký kết, xí nghiệp liên doanh này bước đầu sẽ cho ra đời 50.000 sản phẩm/năm.

Vấn đề hợp tác kinh tế cũng sẽ được lãnh đạo 2 nước chú ý. Trong năm tới, dự kiến kim ngạch thương mại 2 chiều Nga - Ấn Độ sẽ tăng lên 20 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn do lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với các thị trường giàu tiềm năng như Ấn Độ được xem là giải pháp giúp Mátxcơva có thể đứng vững trong cơn sóng gió. Đây cũng là cơ hội để Nga tìm kiếm sản phẩm từ Ấn Độ thay thế cho các mặt hàng mà Nga cấm nhập khẩu từ phương Tây.

Sức ép từ Mỹ

Mỹ đã cảnh báo Ấn Độ rằng trong bối cảnh phương Tây đang căng thẳng với Nga, đây không phải là thời điểm phù hợp cho việc làm ăn với Mátxcơva.

Ấn Độ và Nga là những đồng minh gần gũi từ thời chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Washington và New Delhi đã có nhiều động thái giao hảo, xích lại gần nhau trong 10 năm qua, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ George W.Bush (2001 - 2009). Ngày 30-9 vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được đón tiếp tại Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức Mỹ sau khi lên nhậm chức. Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ đến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 1-2015, theo lời mời của ông Modi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định chuyến thăm của ông Putin tới Ấn Độ sẽ không phủ bóng lên chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Obama. Bà Marie Harf cũng nhấn mạnh những thỏa thuận về hợp tác giữa Mỹ - Ấn Độ sẽ vẫn được tiến hành, trong đó có việc Washington - New Delhi gia hạn cam kết thực hiện đầy đủ Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn Độ cho phép các lò hạt nhân công nghệ của Mỹ được xây dựng trên đất Ấn Độ.

Giới quan sát nhận định, với vị trí và tiềm năng kinh tế của Ấn Độ, sẽ không có gì bất ngờ khi cả Mỹ và Nga đều muốn tranh thủ, giành ảnh hưởng tại quốc gia Nam Á này.

Đỗ Cao (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục