Một lần nữa các nước không thể nhất trí đưa ra một nghị quyết về vấn đề Syria sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ. Theo đó ủng hộ kế hoạch của Liên đoàn Ảrập (AL) kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
Phản ứng trái chiều
Đây là lần thứ 2 trong vòng 4 tháng, Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết để ngăn cản một nghị quyết của HĐBA lên án tình trạng bạo lực tại Syria. Đại sứ Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin, cho biết Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết do các nước Ảrập và châu Âu soạn thảo bởi Nga thấy cần một nghị quyết khách quan của LHQ có thể thực sự giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Syria. “Dự thảo nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu này không phản ánh đầy đủ tình trạng thực các vấn đề ở Syria”, ông V.Churkin nói. Đại sứ Nga tại LHQ cũng nhấn mạnh rằng HĐBA không phải là công cụ ngoại giao duy nhất trên hành tinh. Ông Churkin cũng cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp ông Assad tại Damascus vào ngày 7-2.
Trong khi đó, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng phản đối quyết định của Nga và Trung Quốc. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho biết Mỹ “phẫn nộ” với quyết định của 2 nước. Còn theo Đại sứ Anh Mark Lyall Grant, Anh “choáng váng” với quyết định trên, song sẽ tiếp tục nỗ lực để HĐBA có thể đi đến thống nhất hành động. Nhiều nước thành viên khác trong HĐBA cũng lên án việc Nga và Trung Quốc bỏ phiếu phủ quyết.
Mặc dù vậy, Taleb Ibrahim, nhà phân tích chính trị người Syria, cho rằng 2 lá phiếu phủ quyết này sẽ mở ra một thời kỳ cân bằng quyền lực toàn cầu mới. Theo ông, “LHQ sẽ không còn là công cụ trong tay của Mỹ và các đồng minh để họ có thể thông qua các kế hoạch quân sự”. Ông Ibrahim cũng cho rằng lá phiếu phủ quyết sẽ là một tác nhân tích cực giúp khôi phục hòa bình và ổn định tại Syria, đồng thời cứu sinh mạng của người dân Syria.
Chủ nghĩa can thiệp mới của Mỹ
Theo tờ The Sun của Hồng Công (Trung Quốc), Mỹ lấy cớ “khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” để loại bỏ chính quyền ông Assad bởi Syria là đồng minh của Iran và là điểm tựa chiến lược của Nga ở Trung Đông. Lật đổ chính quyền Assad đồng nghĩa với việc “chặt đứt một cánh tay” của Iran, xóa bỏ một cứ điểm của Nga ở Trung Đông và giúp Israel loại bỏ một mối đe dọa tiềm tàng. Đây là một mũi tên trúng 3 đích.
Ngoài ra, Syria còn đang trở thành nơi để Mỹ thí nghiệm chủ nghĩa can thiệp mới. Trước đây, với chiêu bài nhân quyền, phương Tây đã can thiệp bằng chiến tranh và làm tan rã Liên bang Nam Tư. Mới đây, với hành động quân sự tại Libya, Mỹ đã giương ngọn cờ “bảo vệ các giá trị phổ biến của nhân loại”.
Hiện nay, Mỹ mượn danh nghĩa “thực hiện trách nhiệm bảo vệ thường dân”, tạo cớ can thiệp quân sự để có thể tấn công Syria. Trước tiên, thông qua phái tự do ở Syria phát động cách mạng đường phố, khoét sâu mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền. Khi chính quyền Syria tiến hành các biện pháp đảm bảo an ninh, Mỹ sẽ thổi phồng sự kiện thành các bi kịch, khiến cả thế giới lên án chính quyền đương nhiệm Syria.
Khi Tổng thống Assad nhượng bộ, mở cửa đối với các đảng phái bị cấm hoạt động trước đây, tiến hành bầu cử trước thời hạn, hoan nghênh các quan sát viên quốc tế tới Syria, Mỹ lại giúp đỡ phe chống đối ở Syria tổ chức đội quân tự do, tấn công các cơ quan chính quyền, châm ngòi nội chiến. Khi Syria đưa xe tăng bao vây tiêu diệt đội quân tự do, Chính phủ Mỹ lại chỉ trích quân đội, cảnh sát Syria thảm sát dân thường, tiếp đó là yêu cầu cộng đồng quốc tế can thiệp vào Syria. Có thể thấy, chiến lược của Mỹ đối với Syria được tiến hành từng bước một rất rõ ràng.
ĐỖ VĂN (tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
>> Syria: Hơn 260 người chết trước khi HĐBA LHQ bỏ phiếu