
Sau các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian tại Brussels (Bỉ), rạng sáng 3-3 (giờ địa phương), Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt tới cuối tháng 3 nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt tới châu Âu sau những tranh cãi liên quan đến việc cấp khí đốt cho khu vực miền Đông Ukraine.

Xe tăng quân đội Ukraine đang rút khỏi miền Đông
EU được lợi
Thỏa thuận trên đạt được sau 5 giờ đàm phán căng thẳng giữa Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng Maros Sefcovic, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Demchyshyn nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt cho châu Âu tới hết mùa đông.
Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, ông Maros Sefcovic nói: “Chúng tôi đã đảm bảo được việc triển khai toàn diện Gói mùa đông để đáp ứng nhu cầu về khí đốt tại Ukraine. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhất trí sẽ tiến hành các cuộc đàm phán ba bên về giai đoạn tiếp theo cho Gói mùa đông”.
Cuộc đàm phán diễn theo đề xuất của EU mà mục tiêu chính là EU muốn Nga và Ukraine đảm bảo thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình trong cung cấp và vận chuyển khí đốt tới châu Âu, trong đó EU cho rằng, nên tách riêng vấn đề Nga cung cấp khí đốt cho vùng Donbass xung đột khỏi các vùng khác của Ukraine.
Trong bối cảnh Ukraine sắp đến hạn trả trước tiền mua khí đốt cho Nga theo hợp đồng, nếu Kiev không thanh toán đúng hạn, Mátxcơva sẽ ngừng cung cấp khí đốt sang Ukraine, gây ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt sang châu Âu như kịch bản từng xảy ra năm 2009 khiến một bộ phận người dân châu Âu không có khí đốt sưởi ấm ngay giữa tháng 2 lạnh giá. Vì vậy các giới quan sát cho rằng EU được lợi nhiều hơn cả trong thỏa thuận giữa Nga và Ukraine.
Vẫn còn giao tranh ở Đông Ukraine
Lãnh đạo nhóm Bộ tứ Normandy gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm thảo luận việc thực hiện thỏa thuận Minsk về Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo hoan nghênh tiến bộ đạt được trong việc tuân thủ lệnh ngừng bắn và quá trình rút vũ khí hạng nặng ở miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh các bên cần tiếp tục tuân thủ chặt chẽ lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Nhóm Bộ tứ cũng kêu gọi OSCE đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng, cũng như công bố báo cáo hàng ngày về tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc trao đổi tù binh giữa hai bên xung đột ở Ukraine và phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đảm bảo cứu trợ nhân đạo cho người dân vùng Donbass. Ngoài ra, các bên cần đẩy nhanh việc thành lập các nhóm làm việc để thực hiện những biện pháp còn lại trong thỏa thuận Minsk, trong đó có việc tổ chức bầu cử địa phương.
Ủy ban điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ ra báo cáo mới nhất cho biết lệnh ngừng bắn ở Đông Ukraine vẫn rất mong manh. Giao tranh vẫn xảy ra tại một số khu vực gần sân bay Donesk và thành phố Mariupol, dù quy mô đã giảm đáng kể. Cùng lúc này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đề xuất tăng quy mô quân đội nước này lên 250.000 người theo dự thảo một đạo luật được trình lên Quốc hội ngày 2-3.
Trong khi đó, hãng thông tấn Donetsk ngày 2-3 dẫn lời Eduard Basurin - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng - cho biết một số lượng lớn hệ thống pháo của Ukraine vẫn chưa được rút khỏi giới tuyến liên lạc thực tế ở miền Đông Ukraine.
VIỆT ANH (tổng hợp)