Nơi dễ xảy ra lây nhiễm chéo
Những ngày qua, PV Báo SGGP ghi nhận một số khu nhà trọ tập trung công nhân, người lao động tại các quận Bình Tân, quận 12, quận 8… cho thấy nhiều khu nhà trọ lụp xụp, lối đi chung chật hẹp, nhiều căn phòng chỉ rộng 10-15m². Ở đó là nơi sinh sống của một gia đình 2-3 thế hệ hoặc tập thể 4-5 người để san sẻ tiền thuê trong lúc khó khăn do dịch bệnh. Tại phòng trọ của chị Lê Thị Sếp (phường An Lạc, quận Bình Tân) có 4 người chung sống, người làm thợ hồ, người bán hàng rong, người bán vé số… Ban ngày họ đi làm, tối về sinh hoạt chung trong căn phòng chưa tới 15m². Tại khu trọ ở phường 16, quận 8 tập trung khá nhiều công nhân và người lao động tự do từ các tỉnh miền Tây. Trong căn phòng chưa đầy 12m², gia đình anh Đặng Văn Nhanh (33 tuổi, quê Kiên Giang) với 3 thế hệ sinh sống. 5 người sống trong căn phòng này đã vượt qua được khó khăn trong đợt dịch năm 2020.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các công nhân, người lao động ở trọ có chung nhiều mối lo, trong đó có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc, khu trọ. Thực tế, các địa phương sớm nhận rõ nguy cơ phát sinh lây nhiễm từ các khu nhà trọ nên đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, UBND quận 11, quận Bình Tân, TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn… yêu cầu các chủ nhà trọ tuyên truyền người thuê trọ chấp hành nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Dù vậy, tình hình lây nhiễm dịch bệnh ở các khu vực này vẫn rất phức tạp. Trên toàn TPHCM, nhìn trên biểu đồ diễn biến tình hình dịch Covid-19 có thể thấy rõ, hầu hết số quận huyện vùng ven hiện có ca mắc Covid-19 thuộc nhóm dẫn đầu.
Địa bàn là một trong những điểm nóng về dịch Covid-19 của TPHCM, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân Lê Văn Thinh thông tin, những lần trước, ở khu nhà trọ có ca mắc Covid-19 nhưng lây nhiễm chậm. Đối với chủng virus Delta lần này, nơi nào có một ca bệnh là toàn bộ người cùng phòng trọ đều bị nhiễm, thậm chí lây cho những phòng lân cận.
Về nguyên nhân, theo ông Lê Văn Thinh, do đặc điểm đô thị và dân cư ở các quận vùng ven TPHCM, có nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc, hàng ngày có nhiều công nhân di chuyển, tham gia lao động sản xuất hơn các quận nội thành. Ngoài ra, hầu hết công nhân lao động trong môi trường không gian kín, sinh hoạt tập thể cùng lúc như khi ra vào ca, ăn uống giữa ca, sử dụng thiết bị vệ sinh chung. Đa phần công nhân lao động cũng thuê nhà trọ ở tập thể, không có phòng riêng, không gian sinh hoạt chật hẹp. Đây là môi trường thuận lợi cho chủng virus Delta lây nhiễm chéo và phát triển mạnh.
Bảo vệ an toàn cho công nhân
Bí thư Quận ủy Bình Tân Lê Văn Thinh phân tích, nếu cộng với đặc trưng tai hại của biến chủng Delta là bệnh nhân không có hoặc rất ít xuất hiện những triệu chứng mắc virus nên không thể phát hiện dương tính với Covid-19 sớm, nếu không xét nghiệm. Điều này vô tình kéo dài thời gian ủ bệnh, gây mất vết dẫn đến người mắc Covid-19 tiếp xúc vô tư với mọi người trong công việc và cuộc sống thường nhật. Đó cũng là lý do số ca mắc Covid-19 không rõ nguồn gốc hiện bùng phát nhanh trên toàn địa bàn TPHCM.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin, đợt dịch này đã bùng phát, lây lan mạnh, tập trung ở khu vực có môi trường thuận lợi, tiếp xúc gần, đặc biệt là khu công nghiệp, nhà trọ, khu vực vùng ven TPHCM có nhiều lao động phổ thông. Do đó, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cần có kế hoạch xét nghiệm lặp lại để sàng lọc ca dương tính, tránh lây lan trong các khu nhà trọ công nhân.
Đánh giá về nguy cơ, Bí thư Quận ủy Bình Tân cho rằng cần có giải pháp bảo vệ công nhân lao động. “Hiện nay chúng ta phải thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ chiến lược. Đó là vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất để phát triển kinh tế. Cho nên, bên cạnh tuyến đầu phòng chống dịch (y bác sĩ, công an, quân đội…) thì công nhân lao động cũng cần được xem là lực lượng tuyến đầu trong thực hiện nhiệm vụ kép. Vì vậy, công nhân lao động cần phải được ưu tiên bảo vệ, với giải pháp căn cơ là tiêm vaccine”, ông Lê Văn Thinh đề xuất. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công nhân nói riêng và người dân nói chung cần tuân thủ thực hiện nghiêm hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và các biện pháp phòng chống dịch ở địa phương. Đó là để làm chậm và giảm đến mức tối thiểu sự lây nhiễm, giúp địa phương nói riêng, TPHCM nói chung kiểm soát và khống chế dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, trong buổi giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cũng nhận xét, khu nhà trọ (cùng với chợ, khu chế xuất, khu công nghiệp) là những nơi có nguy cơ cao về dịch Covid-19. Do đó, TPHCM đang tập trung cao nhất mọi nguồn lực để sớm có được nguồn vaccine tiêm cho người dân và chú ý đến nhóm nguy cơ cao nêu trên. Trong thời gian này, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, người dân cần tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch, trong đó thực hiện nghiêm quy tắc 5K.