Ngân hàng – Doanh nghiệp : Tìm tiếng nói chung

Ngân hàng... chơi không đẹp!
Ngân hàng – Doanh nghiệp : Tìm tiếng nói chung

Sáng 14- 4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cùng các sở ngành, quận huyện đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TP, lắng nghe và giải quyết các vướng mắc trong việc hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp. Nhiều vấn đề “nóng” đã được doanh nghiệp đặt ra để các sở ngành TP cùng bàn cách tháo gỡ.

Ngân hàng... chơi không đẹp!

Ngân hàng – Doanh nghiệp : Tìm tiếng nói chung ảnh 1

Nhân viên Eximbank làm thủ tục vay vốn cho một doanh nghiệp. Ảnh: ĐỨC THÀNH

“Những doanh nghiệp (DN) khó khăn thực sự thì đã vay và “dính” lãi suất cao từ quý 3, quý 4 năm 2008, còn những DN “khỏe” cầm cự đến giờ mới vay. Thế nhưng, nhà nước lại ưu đãi cho những DN vay mới, thay vì “cứu” những DN thực sự khó khăn đã phải vay vốn trước đó. Do vậy, những DN khó khăn lại càng khó hơn vì phải “ôm” lãi suất cao và không được hưởng ưu đãi” - đại diện Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ bức xúc nói.

Chủ tịch Hội DN Cơ khí điện TP Lã Thị Lan tiếp lời: Khi lãi suất cơ bản tăng cao thì ngân hàng đến đàm phán, yêu cầu DN tăng lãi suất - dù chưa đến hạn đáo nợ, thế nhưng, khi lãi suất giảm thì ngân hàng không chịu đàm phán để giảm lãi suất cho DN. Chơi như vậy là không “fair-play”. Ông Hà Thanh Tâm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất dây và cáp điện Ngọc Lan, dẫn chứng: Từ tháng 4 đến tháng 8-2008 lãi suất tăng cao, ngân hàng liên tục gởi thư ngỏ, công văn yêu cầu điều chỉnh tăng lãi suất, còn bây giờ lãi suất giảm đã nhiều tháng, chúng tôi đề nghị giảm thì ngân hàng lạnh lùng nói “phải trả hết nợ cũ, rồi vay nợ mới với lãi suất thấp”.

Ông Tâm nói thêm, Chính phủ và TP cho hỗ trợ lãi vay với hợp đồng trung và dài hạn, nhưng các ngân hàng lại không cho vay trung và dài hạn thì DN cũng đâu hưởng được. Hơn nữa, thủ tục vay vốn không hề đơn giản, hồ sơ do chính tôi đi làm, đã qua “cửa” sở rồi đến ngân hàng nhưng vẫn chưa vay được, giờ thấy nản!

Khó khăn của DN là thế, nhưng đến khi trả lời, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, lại than… thiếu vốn! “Đến nay, các ngân hàng chỉ huy động được 565.000 tỷ đồng nhưng đã cho vay trên 500.000 tỷ đồng rồi, giờ Chính phủ lại mở rộng đối tượng vay, kéo dài thời gian vay lại không tăng vốn” - ông Hạnh nói. Về việc không cho vay dài hạn, ông Hạnh trả lời: “Ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn thì không thể cho vay dài hạn được”.

Còn việc ngân hàng không chịu giảm lãi suất vay vốn cho DN khi lãi suất cơ bản của Nhà nước giảm, ông Hạnh cho rằng, “đã ký hợp đồng vay vốn với thời gian dài, giờ căn cứ vào hợp đồng mà làm”. Câu trả lời khiến DN càng bức xúc hơn. Họ cho rằng, ngân hàng được áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận, nhưng ngân hàng chỉ thỏa thuận lãi suất cao, theo hướng có lợi cho mình mà không quan tâm đến DN, trong khi ngân hàng là tổ chức “tín dụng” - tức là “tin dùng” thì làm sao để DN tin dùng.

Các sở ngành cùng vào cuộc

Ngân hàng – Doanh nghiệp : Tìm tiếng nói chung ảnh 2

Xí nghiệp may An Hội (Gò Vấp) may quần Jean xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Ảnh: THÀNH TÂM

Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Văn Lai cho biết: Từ khi triển khai các quyết định của Chính phủ và UBND TP về việc hỗ trợ lãi suất cho DN đến nay, TPHCM đã giải ngân được 40.000 tỷ đồng (trong đó, tháng vừa qua giải ngân được 30.000 tỷ và 2 tháng trước chỉ giải ngân được 10.000 tỷ đồng). Dự kiến tháng sau, sẽ giải ngân được 30.000 tỷ đồng nữa.

Thế nhưng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Huỳnh Văn Minh vẫn so sánh: DN TP chiếm 1/3 DN cả nước, mà số tiền cho vay đến nay chỉ 40.000 tỷ đồng, trong số hơn 218.000 tỷ đồng đã giải ngân của cả nước, là quá ít – chưa bằng 1/4. Theo Chủ tịch Hội DN quận Phú Nhuận thì “ngân hàng còn thận trọng trong cho vay, bảo lãnh vay”.

Cụ thể, hoạt động bảo lãnh tín dụng gần như không phát huy tác dụng, đến giờ chỉ có 2 dự án được bảo lãnh (Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh 28 tỷ đồng, Ngân hàng bảo lãnh 68 tỷ đồng). Tính đến nay, có đến 130 hồ sơ xin vay vốn (với 7.700 tỷ đồng) để được hỗ trợ lãi suất theo chủ trương của TP, nhưng chỉ có 41 hồ sơ được giải quyết (1.139 tỷ đồng)- quá ít so với nhu cầu. Vì vậy, theo đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ, đã hỗ trợ sản xuất cho DN trong thời kỳ khó khăn thì Nhà nước phải chấp nhận rủi ro để nới rộng điều kiện cho vay. Còn Chủ tịch Hiệp hội DN TP kiến nghị, cần “đặc cách” trong giải quyết nợ quá hạn cho những DN đã vay trước đó.

Để DN sớm tiếp cận vốn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín chỉ đạo, các sở, ngành có trách nhiệm thẩm định dự án trong vòng 7 ngày. Ngay bây giờ, sở ngành phải xây dựng quy trình đăng ký vay vốn, rồi chuyển đến các hội ngành nghề triển khai đến từng DN. Từ nay đến hết quý 2, TP sẽ thành lập đoàn gồm tất cả các sở ngành đi kiểm tra tại 100 - 200 DN về quy trình vay vốn, việc sử dụng đồng vốn và theo dõi không để DN dùng vốn kích cầu đem đầu tư chứng khoán. Về việc giải quyết nợ cũ - lãi suất cao, Phó Chủ tịch đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP tham mưu để TP kiến nghị Chính phủ cho phép đảo nợ và linh hoạt trong giải quyết cho vay vốn cho DN.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục