Ngân hàng Mỹ khởi sắc trong năm 2010

Hãng AFP ngày 22-1 đưa tin, năm 2010 là năm có nhiều khởi sắc đối với hệ thống ngân hàng Mỹ khi có các bản công bố lợi nhuận tăng vào quý 4 trong năm. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng vượt qua khủng hoảng và thu được những khoản lãi lớn.
Ngân hàng Mỹ khởi sắc trong năm 2010

Hãng AFP ngày 22-1 đưa tin, năm 2010 là năm có nhiều khởi sắc đối với hệ thống ngân hàng Mỹ khi có các bản công bố lợi nhuận tăng vào quý 4 trong năm. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng vượt qua khủng hoảng và thu được những khoản lãi lớn.

  • Khỏe mạnh không đi kèm với lợi nhuận

Điều này đã cho thấy, chính sách kinh tế tài chính, các gói cứu trợ của chính phủ Mỹ đã phát huy tác dụng, điều mà chỉ vài tháng trước đây vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi gay gắt. Báo cáo tài chính của các ngân hàng tại Wall Street và Main Street đều cho thấy, tình trạng chung là đã khỏe mạnh hơn so với hai năm trước, nhưng vẫn còn có một số ngân hàng chưa thu được lợi nhuận và còn bị lỗ.

Ngân hàng Goldman Sachs tuyên bố thua lỗ 8,35 tỷ USD trong năm 2010. Bank of America, ngân hàng có số lượng tài khoản người gửi tiền lớn nhất nước Mỹ cũng bị lỗ 2,2 tỷ USD vào năm ngoái, làm giảm giá trị tài sản xuống còn 12,4 tỷ USD. Ngân hàng này công bố thua lỗ ròng chạm ngưỡng 1,2 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm 2010 so với mức thua lỗ 5,2 tỷ USD trong năm 2009.

Số ngân hàng đã vượt qua khủng hoảng một cách tài tình phải kể đến là JP Morgan Chase (ảnh). Ngân hàng này đã công bố khoản lợi nhuận tăng 48%, đạt 17,4 tỷ USD.

Trong khi đó, ở Wells Fargo lợi nhuận đã tăng 46%, đạt mức 11,63 tỷ USD. Citigroup cũng công bố khoản lợi nhuận 10,6 tỷ USD trong năm 2010 sau khi bị thua lỗ 1,6 tỷ USD vào năm 2009. Morgan Stanley, ngân hàng từng bị báo động đỏ vào năm 2009 đã đạt lợi nhuận 3,6 tỷ USD vào năm ngoái.

Sự tăng trưởng có được sau khi các ngân hàng này nhận gói cứu trợ trị giá 135 tỷ USD từ chương trình giảm nhẹ khó khăn của Bộ Tài chính Mỹ và vay nhiều tỷ USD từ các cơ sở cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào cuối năm 2008, đầu năm 2009. Kể từ đó, các ngân hàng được hưởng lợi từ lãi suất thấp và việc thu mua các chứng khoán có thu nhập cố định của FED.

Các biện pháp kiểm tra sức khỏe các ngân hàng Mỹ trong năm qua cũng đã khiến nhiều ngân hàng có sức khỏe yếu bị sụp đổ do không huy động được thêm vốn, song lại phải đương đầu với khoản lỗ ngày càng nhiều do khách hàng không trả được tiền vay.

Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) Mỹ cho biết trong năm 2010, số ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa lên tới 157 ngân hàng, mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm năm 1992. Trong số các ngân hàng bị giải thể trong năm qua, 19 ngân hàng có tài sản trên 1 tỷ USD/ngân hàng và ngân hàng lớn nhất trong số đó là Westernbank của Mỹ tại Puerto Rico với tài sản trị giá 10,8 tỷ USD.

  • Kinh tế Mỹ lạc quan trong 2011?

FED đã duy trì mức lãi suất dài hạn gần 0% kể từ cuối năm 2008 và cho biết, sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Vào giữa tháng 12 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua chính sách cắt giảm thuế 858 tỷ USD của Tổng thống Barack Obama. Điều này sẽ đặt nhiều tiền hơn vào tay người tiêu dùng thông qua các chính sách cắt giảm thuế thu nhập cá nhân tạm thời, kéo dài thời hạn bảo hiểm thất nghiệp cho những ai thất nghiệp quá lâu.

Chính sách khuyến khích cắt giảm thuế này một phần là nhằm tháo gỡ một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế. Đó là sự do dự và chần chừ của doanh nghiệp trong việc rót vốn đầu tư vào trang thiết bị máy móc và các nhà máy mới. Một khi được giảm gánh nặng thuế, các chuyên gia tin rằng doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2011 sau một năm phục hồi khá mong manh sau “bão” tài chính, tạp chí “The Economist” cho rằng, mặc dù nguy cơ suy thoái kép đã phần nào được đẩy lùi, song nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Những thách thức đó liên quan trực tiếp tới các vấn đề tạo việc làm, tình hình tài chính công, chính sách tiền tệ, thị trường địa ốc và giá đồng USD.

Trong năm 2010, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,8% và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức báo động 9,8% trong tháng 12. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng sắp tới. Họ cho rằng, mặc dù kinh tế Mỹ trong năm 2011 chưa đủ sức khỏe để giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp, nhưng sẽ đưa Mỹ đi vào ổn định kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra cách đây 3 năm. 

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục