Ngang nhiên xâm phạm di tích

Không chỉ hoạt động trong tình thế nhiều khó khăn, lâu nay Bảo tàng Lịch sử TPHCM còn đối mặt với thực trạng không có chỗ giữ xe cho du khách tham quan. 
 Bãi xe của Thảo Cầm viên án ngữ ngay cửa chính Đền thờ Hùng Vương Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bãi xe của Thảo Cầm viên án ngữ ngay cửa chính Đền thờ Hùng Vương Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Vậy nhưng, người “hàng xóm” Thảo Cầm viên Sài Gòn lại có vẻ chẳng mặn mòi việc hỗ trợ. Không những thế, đơn vị này còn xâm phạm đến khu vực bảo vệ di tích của Đền thờ Hùng Vương và bảo tàng. Để xe lấn chiếm  Năm 2016, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn xây mới phòng vé (công trình xâm phạm khu vực bảo vệ II của di tích Đền thờ Hùng Vương). Câu chuyện đã khiến dư luận bức xúc và nhiều cơ quan truyền thông lên tiếng, bởi suốt một thời gian dài, bãi giữ xe trong khuôn viên Thảo Cầm viên thường xuyên “bao vây” di tích Đền thờ Hùng Vương tọa lạc trong khu vực này. Vào những dịp cao điểm như lễ, tết, bãi xe còn bành trướng vây quanh cả 3 mặt của đền thờ, xe để tràn lên khu vực sân đền thuộc đất di tích, vốn nghiêm cấm xâm phạm.  Đền thờ Hùng Vương trong Thảo Cầm viên được UBND TPHCM xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2015, đồng thời thành phố giao Bảo tàng Lịch sử TPHCM quản lý di tích này. Lâu nay, Bảo tàng Lịch sử TPHCM vẫn cắt cử nhân sự trực bảo vệ và hướng dẫn khách tham quan đến chiêm bái, cũng như tổ chức quét dọn vệ sinh. Từ nhiều năm qua, bảo tàng còn phối hợp với UBND quận 1 tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại đây, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, viếng mỗi năm.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM, nhấn mạnh, Luật Di sản văn hóa quy định xây dựng công trình bảo vệ và công trình phát huy giá trị di tích phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố. Trong trường hợp này, Thảo Cầm viên đã có hành động xâm phạm di tích.
Theo đánh giá của Sở VH-TT TPHCM, tình trạng sử dụng khu vực bảo vệ II di tích đền thờ Hùng Vương làm nơi giữ xe diễn ra thường xuyên, làm ảnh hưởng cảnh quan của di tích. Liên quan đến sự việc, UBND TPHCM đã chỉ đạo Thảo Cầm viên Sài Gòn phải sắp xếp lại bãi giữ xe, không vi phạm ảnh hưởng tới khu vực bảo vệ di tích và di dời phòng vé từ ngày 1-1-2017. 

Trồng cây xâm phạm khu vực di tích 

Chuyến khảo sát và làm việc trực tiếp với các bảo tàng hồi tháng 3 của đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM như tiếp thêm sinh khí và tháo gỡ nhiều khó khăn cho hệ thống bảo tàng TP. Trong cuộc họp này, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử TPHCM nghiên cứu phương án di dời khu trưng bày bãi súng thần công ra phía trước mặt tiền của bảo tàng, nhằm giảm mật độ diện tích trưng bày, đồng thời giúp người dân tham quan Thảo Cầm viên được xem miễn phí và trọn vẹn bộ sưu tập súng thần công hiện đang trưng bày trên phần diện tích chật hẹp trong khuôn viên bảo tàng. Bên cạnh đó là triển khai hai dự án trùng tu di tích là Bảo tàng Lịch sử TPHCM (xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia 2012) và Đền thờ các vua Hùng. 

Tuy nhiên mới đây, Thảo Cầm viên Sài Gòn đã triển khai trồng loạt cây lâu năm trên khu vực I của di tích (ngay khuôn viên đất dự kiến trưng bày súng thần công theo chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố). Buổi làm việc mới nhất liên quan đến vụ việc với sự có mặt của các cơ quan: Sở VH-TT TPHCM, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM và Bảo tàng Lịch sử TPHCM. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Giám đốc Thảo Cầm viên Sài Gòn, cho rằng: “Thảo Cầm viên Sài Gòn có lịch sử lâu đời, xếp thứ tám trên thế giới. Vì vậy, khi công ty lập đề án 1/500 về tôn tạo mảng xanh và cây bóng mát, đơn vị cũng nhận thấy không thể tách rời bảo tàng và Thảo Cầm viên; đề án này cũng được phê duyệt của UBND thành phố; có thông báo trên trang web của Thảo Cầm viên và trên một số phương tiện truyền thông khác. Khi thực hiện việc trồng cây ở khu vực này, cũng là sức ép của Thảo Cầm viên về tiến độ thực hiện dự án quy hoạch cây xanh theo chỉ đạo phê duyệt từ đề án trên, chúng tôi cũng có suy nghĩ trồng những loại cây dạng quý hiếm nằm trong danh sách đỏ để bảo tồn. Nếu có văn bản của UBND thành phố chỉ đạo về vấn đề cải tạo khu trưng bày bãi súng và trồng cây xanh, mảng xanh phía mặt tiền của bảo tàng thì Thảo Cầm viên sẽ phối hợp, bàn bạc, trao đổi với bảo tàng để đi đến thống nhất lên kế hoạch thực hiện chỉnh trang lại cảnh quan, hiện vật, cây xanh bóng mát, mảng xanh chung phục vụ du khách”. 

Đại diện Sở VH-TT thành phố, Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM cho biết, việc chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố trong cuộc họp với sở về tu bổ di tích, cảnh quan, môi trường của bảo tàng, trong đó có việc dời khu trưng bày bãi súng thần công ra phía bãi cỏ mặt tiền Bảo tàng Lịch sử, lưu ý về hướng súng thần công không được quay về phía Đền thờ các vua Hùng. Sở VH-TT thành phố đề nghị Thảo Cầm viên xem xét lại việc trồng cây lâu năm dọc theo mặt tiền, đã xâm phạm khu vực I di tích bảo tàng như hiện nay. 
Theo Luật Di sản văn hóa 2009, việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL.

Tin cùng chuyên mục