(SGGP).- Ngày 4-9, Sở Công thương TPHCM cho biết, dù tình hình sản xuất kinh doanh trong nước nói chung và địa bàn nói riêng chưa thật sự khởi sắc do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, song phần lớn các ngành sản xuất vẫn duy trì sản lượng so với cùng kỳ.
Trong tháng 8 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (SXCN) vẫn tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 2,8% so với tháng 8-2011. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến (lĩnh vực chủ yếu của công nghiệp thành phố) tăng 5,7% so với trước và tăng 2,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay SXCN tăng 4,2% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%), trong đó, công nghiệp chế biến tăng 3,9% so cùng kỳ. Đáng chú ý, trong 57 ngành sản xuất, có 32 ngành tăng so với cùng kỳ và có 25 ngành tăng cao hơn mức tăng bình quân của ngành.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Quách Tố Dung, căn cứ tình hình thực tế tốc độ tăng trưởng SXCN 8 tháng năm 2012 có xu hướng chững lại (lũy kế từ tháng 1 đến tháng 6 giữ xu hướng tăng cao dần, tháng sau cao hơn tháng trước) và thấp hơn so với cùng kỳ. Con số thống kê sơ bộ cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động nhiều, 7 tháng năm 2012 là 14.208 doanh nghiệp (trong đó, tháng 7 có 1.650 doanh nghiệp). Riêng lượng hàng tồn kho trong doanh nghiệp vẫn còn cao, chỉ số tồn kho tại thời điểm tháng 6-2012 của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho cùng kỳ năm trước chỉ 15,9%).
Đối với lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 42.662 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, doanh thu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt 344.133 tỷ đồng, đạt 62,4% kế hoạch năm 2012 (kế hoạch 551.461 tỷ đồng) tăng 17,8% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ qua 7 tháng đầu năm đều tăng trưởng khá trên 20% so cùng kỳ năm trước, đến tháng 8 chỉ tăng 17,8%, mức giảm này do tình hình kinh tế còn khó khăn, người dân hạn chế chi tiêu chủ yếu các mặt hàng thiết yếu hàng ngày và giá các mặt hàng này phần lớn giảm do nguồn cung dồi dào.
LẠC PHONG