Ngành y tế TPHCM: Chủ động ứng phó 3 nguy cơ lớn

Sau hơn 2 năm nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 và cơ bản đã kiểm soát được dịch, ngành y tế thành phố đang đứng trước 3 nguy cơ lớn là: dịch chồng dịch; thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập.
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TPHCM
Việc xác định các nguy cơ để chủ động ứng phó, vận dụng các bài học kinh nghiệm qua thực tiễn công tác phòng chống dịch Covid-19, huy động mọi nguồn lực, mạnh dạn nghiên cứu và triển khai thí điểm các giải pháp mang tính đổi mới sáng tạo để chuyển “nguy” thành “cơ”. Tất cả hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố và người dân khu vực phía Nam.

Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào chính thức công bố đã chấm dứt được dịch Covid-19. Tuy dịch đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua, nhưng các biến thể phụ mới của biến thể Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới. Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và tại TPHCM với số ca mắc mới, số ca nặng tăng, số tử vong tăng. Tại TPHCM, số ca mắc đã là 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Dự báo, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ bùng phát mạnh nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Thời điểm này, có thể khẳng định cả 2 dịch bệnh này đều có giải pháp phòng ngừa. Trong đó, đẩy nhanh hơn nữa tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đồng thời triển khai quyết liệt hơn nữa công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết. 

Một nỗi lo lớn thứ 2 là thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện trên địa bàn thành phố. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và chất lượng điều trị, nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân tham gia BHYT.

Thực trạng thiếu các thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện trên địa bàn thành phố và cả nước, tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa. Trước thực trạng này, ngành y tế TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế sớm tháo gỡ những vướng mắc trong việc mua sắm thuốc; kiến nghị lãnh đạo thành phố cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành y tế thành phố. Đồng thời kiến nghị UBND TPHCM có giải pháp hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh.

TPHCM đang đối mặt với một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch Covid-19. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 874 nhân viên y tế có đơn xin nghỉ việc. Trước đó, năm 2021 đã có hơn 1.154 cán bộ, nhân viên y tế tại thành phố xin rời khỏi ngành vì áp lực công việc. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố). Đây không chỉ là chuyện của riêng ngành y tế TPHCM, mà là thực tế đang diễn ra khắp cả nước. 

Việc “chảy máu chất xám” ở các tuyến y tế công lập đang đặt ngành y tế trước nguy cơ khủng hoảng do thiếu nhân lực đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn đến đứt gãy hệ thống y tế. Việc giữ chân nhân viên y tế khi dịch Covid-19 cùng nhiều bệnh khác đang diễn biến phức tạp là cần thiết hơn bao giờ hết.

Để làm được điều này, ngành y tế TPHCM đã nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.

Tin cùng chuyên mục