
Có tới 13 loại hóa chất công nghiệp độc hại đang được bán khá chạy ở chợ Kim Biên, đó là formol, muối diêm (NaNO3 - nitrat và NaNO2 - nitric), acid boric, hàn the (borax), tinopal, đường hóa học (sodium cyclamate)… Điều đáng lưu ý, hầu hết các loại hóa chất này đều đã “góp mặt” trong thành phần chế biến các loại bún, phở, bánh canh, mì… nhằm tăng thêm độ giòn, dai và độ bóng!
Những con số... chết người!
Còn nhớ cách đây vài năm, người dân TPHCM đã bị “choáng” trước thông tin 100% mẫu bánh phở được kiểm tra có chứa formol - một trong những loại hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Đến năm 2004, tỷ lệ bánh phở có chứa formol đã tạm giảm xuống còn 28%. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng vào cuối năm 2005 cho thấy, tỷ lệ bánh phở có chứa formol tăng lên 45%!

Công tác quản lý việc buôn bán hóa chất độc hại còn nhiều hạn chế. Trong ảnh: hóa chất bày bán ở chợ Kim Biên. Ảnh: CAO THĂNG
Không chỉ có formol, kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng thực hiện trong giai đoạn 2003-2005, kết quả kiểm tra các loại thực phẩm như mì sợi, cá viên chiên, bò viên, bánh da lợn… có đến 135/200 mẫu có sử dụng hàn the, chiếm tỷ lệ 67,5%.
Tương tự, kết quả xét nghiệm trong 2 năm 2004 và 2005 của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM trên 3.000 mẫu thực phẩm cho thấy, hàn the có trong 70%-74% mẫu chả lụa và mì sợi bán tại các chợ; 47%-49% mẫu giò sống, chả lụa tại các cơ sở sản xuất; 77% chả lụa bán rong và 62%-68% giò sống, chả lụa bán trên đường phố. Hàn the không chỉ xuất hiện tại các mẫu thực phẩm bày bán tại các chợ, đường phố mà ngay trong các siêu thị - nơi được xem là địa chỉ tin cậy để mua thực phẩm cũng có chứa hàn the.
Tuy chưa có những mẫu kiểm tra cụ thể nhưng một cán bộ trong ngành quản lý thị trường đã quả quyết với PV báo SGGP: hầu hết các loại bún, bánh canh có độ bóng, mịn đẹp sẽ không thể thiếu “thành phần” tinopal (loại hóa chất dạng hạt nhuyễn, màu xanh lá có tác dụng tẩy trắng, tạo sáng thường được dùng để chế biến xà bông!).
Do vậy người tiêu dùng cần phải cảnh giác với các loại thực phẩm “phát sáng” này. Ngoài ra, hiện tượng sử dụng chất titan để sản xuất kem đá đang gia tăng. Chỉ cần vài giọt nhỏ vào 1 ly nước sẽ tạo màu trắng đục như sữa.
Mua bao nhiêu cũng có!
Trở lại khu vực chợ hóa chất Kim Biên vào một buổi trưa nắng gắt. Tấp vào một cửa hàng “quen”, chúng tôi hỏi mua loại hương liệu cà phê. Chủ cửa hàng vui vẻ hỏi ngay: “Mua trọn gói hay mua một loại? Nhiều hay ít?”. Chúng tôi đáp: “Mua trọn gói!”.

Một phút sau, chúng tôi đã có trong tay khá đầy đủ thành phần (chỉ thiếu hạt bắp rang xay nhuyễn) là chế biến được mặt hàng cà phê thứ thiệt: gồm hương liệu cà phê + cafein anhydrat (bột đắng) + lauryl sunfate (chất tạo bọt). Tổng số tiền chúng tôi trả cho món hàng là hơn 120.000 đồng. Điều đáng lưu ý, chất tạo bọt là một loại hóa chất công nghiệp rất độc hại cho cơ thể, không được dùng trong chế biến thực phẩm nhưng vẫn được các điểm bán “kê đơn” cho người mua”!?
Bước sang gian hàng khác ở đường Vạn Tượng, làm ra vẻ “sành điệu”, chúng tôi hỏi mua ngay 1kg hàn the loại “xịn” nhất giá bán 60.000 đồng/kg. Chỉ 5 phút sau, “yêu cầu” của chúng tôi đã được đáp ứng! Trong thời gian đứng chờ, tôi tranh thủ “liếc” sang các loại hóa chất khác, cô gái bán hàng không ngần ngại kể tên, báo giá: chất chống mốc 20.000-22.000 đồng/kg, các loại màu công nghiệp giá bình quân 40.000-60.000 đồng/kg, formol 5.000-8.000 đồng/kg, phân diêm 8.000 đồng/kg…
Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi còn có trong tay 13 loại hóa chất công nghiệp độc hại đang bán rất chạy, được sử dụng khá “phổ biến” trong chế biến thực phẩm nhằm làm tăng độ giòn, dai, tạo độ bóng và độ ngọt...với mức giá rất “bèo” so với giá các loại phụ gia thực phẩm khác. Chính sự chênh lệch về giá bán có thể lý giải tại sao nước ta đã chế biến thành công loại phụ gia thay thế hàn the nhưng tỷ lệ hàn the được sử dụng trong giò chả trên địa bàn cả nước vẫn chiếm tới 40% tổng số mẫu được kiểm tra!
Ngoài các loại hóa chất kể trên, thì loại hóa chất cực độc, nằm trong danh mục hạn chế kinh doanh như Sodium Cyanua hay Sodium Cyanite dùng trong xi mạ, phân kim, chỉ cần một lượng rất nhỏ là có thể gây tử vong, vẫn được bày bán chung với hóa chất thực phẩm, rất nguy hiểm! Mới đây, Đội Quản lý thị trường 5B đã thu giữ 450kg S.Cyanua không hóa đơn chứng từ đang bày bán tại số 31 Vạn Tượng, quận 5. Ngoài ra, Đội 5B còn thu giữ một số lượng rất lớn các loại hóa chất đã hết hạn sử dụng từ rất lâu nhưng vẫn được bày bán trên thị trường.
Quản lý ra sao?
Trên địa bàn quận 5, mặt hàng hóa chất có sức tiêu thụ khá mạnh với 58 hộ kinh doanh (30 hộ cá thể tại chợ Kim Biên và 28 hộ trên đường phố). Một cán bộ chức năng ở quận 5 thừa nhận, không thể phân biệt được đâu là hóa chất thực phẩm, đâu là hóa chất công nghiệp hay độc hại, nội hay ngoại, xuất xứ hàng hóa… Việc có giấy phép được bán hóa chất thực phẩm nhưng thực tế chủ cửa hàng bán kèm cả hóa chất công nghiệp rất phổ biến.
Việc bày bán không đảm bảo vệ sinh, hóa chất thực phẩm đựng trong các bao bì không đảm bảo chất lượng và để dưới lòng lề đường tràn lan. Cần lưu ý rằng đây là một trong những mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng chúng ta lại quá dễ dãi trong việc cấp phép kinh doanh.
Người bán bất chấp những quy định, chỉ cần hỏi mua là bán, không cần biết mục đích của người mua về để làm gì. Chính sự quản lý lỏng lẻo và chế tài thiếu nghiêm khắc của cơ quan quản lý khiến thị trường kinh doanh hóa chất, bột màu, phụ gia thực phẩm bị thả nổi gần như hoàn toàn. Hậu quả là mỹ phẩm giả, thuốc bảo vệ thực vật giả, ngộ độc thức ăn... xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Kinh doanh ngành hàng hóa chất đã có sự biến tướng từ rất lâu. Sức khỏe của hàng triệu người dân thành phố đang nằm trong tay các cơ quan chức năng. Phải bắt đầu từ đâu, làm gì để chấn chỉnh lại hoạt động của ngành hàng này? Các sở, ngành hữu quan và cả những người có trách nhiệm ở thành phố cần sớm trả lời câu hỏi này, càng sớm càng tốt.
THÚY HẢI