Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) đọc chiếu thoái vị xong là lúc quốc kỳ của vương triều này hạ xuống để cờ đỏ sao vàng được kéo lên kỳ đài Ngọ Môn, tung bay trong tiếng vỗ tay và hô khẩu hiệu của quần chúng nhân dân:
“Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!”. Ở thời khắc ấy, Bảo Đại nói: “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”…
Trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, chúng tôi gặp lại lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Hường (tức Hường Thọ), nguyên thành viên Ban liên lạc Việt Minh Nguyễn Tri Phương trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Ông nhớ lại không khí sôi sục trong những ngày mùa thu lịch sử năm 1945 tại kinh thành Huế, nhất là sự kiện vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn và kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng Hường Thọ.
Ông Hường Thọ kể, chiều ngày 30-8-1945, đại biểu nhân dân 6 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng với đại biểu các tầng lớp nhân dân thành phố Huế đã tập hợp đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề trên quảng sân rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân cột cờ. 18 hàng nữ sinh mặc quần trắng, áo dài trắng đứng trước. Tiếp đó là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím. Đoàn quân nhạc gồm 130 người đứng bên phải. Lực lượng vũ trang súng trường cắm lê sáng loáng đứng bên trái. Các đoàn thanh niên học sinh áo sơ mi trắng, quần xanh đứng sau cùng. Phía chính giữa là đại diện nhân dân tay mang cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rực rỡ xếp thành ô vuông lớn - hình ảnh khối đoàn kết chặt chẽ và vững bền.
Không khí thật trang nghiêm khi vua Bảo Đại từ điện Kiến Trung (Hoàng thành Huế) tiến về cửa Ngọ Môn để làm lễ thoái vị và trao ấn, kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Theo nguyện vọng nhà vua, lá cờ quẻ Ly của triều đình được kéo lên kỳ đài trước mặt Ngọ Môn lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong chiếu thoái vị cũng là lúc quốc kỳ của vương triều này gỡ xuống để cờ đỏ sao vàng được kéo lên kỳ đài 3 tầng, cột cờ cao 29,52m trong tiếng vỗ tay hoan hô như sấm, cắt ngang bởi 21 phát súng mừng vang lên.
Sau đó, vua Bảo Đại nói: “Thưa phái đoàn, từ nay tôi là một người dân bình thường của một nước độc lập, xin phái đoàn cho tôi một vật gì để kỷ niệm cái ngày này”. Đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã cài lên ngực Bảo Đại huy hiệu cờ đỏ sao vàng mà Ủy ban nhân dân cách mạng tặng các thành viên trong hoàng gia, đoạn nói to: “Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy”. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên…
Câu chuyện về Cách mạng Tháng Tám ở kinh đô Huế có một điều khá đặc biệt thú vị. Đó là chuyện của một số thanh niên trí thức, con em của các quý tộc, quan lại, đại thần triều Nguyễn đều tích cực tham gia tổng khởi nghĩa ngay từ những ngày đầu và tiếp tục đi theo cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, họ được tôi luyện trong khói lửa chiến tranh, nhiều người đã trở thành những cán bộ chỉ huy quân đội xuất sắc như: trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, Tư lệnh đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp… và các tướng lĩnh từng giữ các trọng trách quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
THIÊN ÂN
Con đường “Cách mạng mùa Thu” ở Huế
Ở cố đô Huế có một con đường đặc biệt mang tên 23 tháng 8. Đó cũng là con đường in dấu ngàn vạn bước chân quần chúng cách mạng vừa tròn 70 năm về trước hiên ngang tiến về Hoàng thành Huế chứng kiến lễ thoái vị, trao ấn và kiếm của vua Bảo Đại cho đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đường 23 Tháng 8 rợp bóng cây xanh trước Hoàng thành Huế.
Đường 23 tháng 8 dài 351 mét rợp bóng cây xanh trước mặt Hoàng thành Huế và không có số nhà được hình thành từ đầu thế kỷ 19 cùng thời điểm xây dựng Kinh thành Huế. Trước năm 1945 là đường Ngọ Môn. Từ tháng 1-1977 đến nay con đường này mang tên 23 tháng 8 nhằm nhắc nhớ về ngày Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi tại Kinh đô Huế.
Về cố đô Huế, dạo bước trên con đường 23 tháng 8 những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử, ta như được tắm mình trong truyền thống đấu tranh giữ nước, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, con đường gắn với sự kiện lịch sử trọng đại trong Cách mạng mùa Thu năm 1945 tại kinh đô Huế nay được mở rộng khang trang và trở thành con đường đẹp nhất tại thành phố Huế. Ngoài hệ thống cây xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi, con đường này còn được tô điểm bởi một loạt di tích lịch sử như di tích Di Luân đường, Trường Quốc tử Giám nay là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế… Vào mỗi dịp Festival Huế, đường 23 tháng 8 lại rực rỡ sắc màu của đèn lồng, đèn điện lấp lánh với đủ kích cỡ, hình dáng và cả những sân khấu nghệ thuật ngoài trời hoành tráng phục vụ các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 5 châu lục biểu diễn phục vụ người dân và du khách.
VĂN THẮNG