Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai: Tập trung cứu người, giảm thiệt hại kinh tế

Ngày Quốc tế Giảm nhẹ thiên tai 13-10 được Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) chọn từ năm 1989 nhằm cảnh báo toàn cầu những tác động của thiên tai lên cuộc sống của hành tinh, trong đó có nhiều loại thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Chủ đề của ngày này năm nay là “Quản lý rủi ro thiên tai”.
Cháy rừng ở Mỹ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu
Cháy rừng ở Mỹ ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu

Thiệt hại 2.900 tỷ USD

Chủ đề năm nay tập trung đo lường khả năng quản lý rủi ro thiên tai (DRR) với tiêu chí tăng số người được cứu sống, giảm số người bị ảnh hưởng cũng như giảm thiệt hại kinh tế do thiên tai. 

LHQ tuyên bố: “Covid-19 và tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang nói với toàn thế giới rằng chúng ta cần có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng và các cơ quan có thẩm quyền phải hành động dựa trên bằng chứng khoa học vì lợi ích cộng đồng”. Mục đích chính là cung cấp nền tảng cho tất cả các chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thiên tai, xã hội dân sự…, giúp nâng cao nhận thức về hậu quả kinh tế của việc không quản lý được rủi ro thiên tai, nhất là đối với các nhóm dễ bị tổn thương và các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, theo LHQ, cần phải giáo dục người dân về các vấn đề giảm nhẹ thiên tai, huy động ý chí chính trị và nguồn lực để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hiểu về rủi ro thiên tai để xây dựng hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng quan trọng giúp giảm thiểu số người chết do thiên tai. Từ năm 1998 đến 2017, thiên tai đã làm chết 1,3 triệu người, làm bị thương 4,4 tỷ người và gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 2.900 tỷ USD trên toàn thế giới. Ngoài những con số nặng nề trên, vẫn còn đến 63% các thảm họa được báo cáo không kèm dữ liệu kinh tế. Do đó, thiệt hại trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. 

Nâng cao nhận thức về thiên tai

Theo LHQ, điều quan trọng là chúng ta phải dành thời gian để hiểu DRR là gì và tác động tích cực của nó đối với cuộc sống của con người khi được thực hiện đúng cách. DRR là việc tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng và các phương pháp tiếp cận nhằm giảm tác động tiêu cực của thiên tai đối với người dân và sinh kế của họ. Nói cách khác, DRR đòi hỏi phải xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài, thích ứng với những thay đổi về hoàn cảnh và môi trường. Cần tập trung vào cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm trường học, bệnh viện cũng như các dịch vụ cơ bản có khả năng cứu sống con người như cung cấp thực phẩm, dược phẩm, nước, năng lượng, viễn thông và giao thông. Ví dụ, việc cải thiện khả năng ứng cứu nạn nhân ở các bệnh viện là rất quan trọng vì nó làm tăng năng lực của lực lượng y tế, từ đó giúp cứu sống thêm nhiều người trong trường hợp có thảm họa thiên nhiên. Điều này đảm bảo nguồn chăm sóc y tế liên tục, giảm nhu cầu hỗ trợ nhân đạo từ bên ngoài, ngăn ngừa thiệt hại kinh tế. 

Cộng đồng quốc tế đã thực hiện các bước để cải thiện DRR trong ứng phó và phòng ngừa nhân đạo. Đáng chú ý nhất, Nghị định khung Sendai của LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai 2015-2030 dẫn đầu trong việc phổ biến, đầu tư và quản lý rủi ro thiên tai. Do đó, nhiều cộng đồng trên khắp thế giới đang nỗ lực để giảm hệ lụy do thảm họa thiên tai gây ra và nâng cao nhận thức về những rủi ro mà họ phải đối mặt.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 9-2020, LHQ cho biết, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Trong 20 năm qua, 91% thiên tai liên quan đến khí hậu bao gồm lũ lụt, bão và hạn hán. Những thảm họa này dẫn đến thương vong, mất nơi sinh sống và thiệt hại kinh tế. Trong giai đoạn 1998-2017, thiệt hại trên toàn thế giới do các vấn đề khí hậu đã tăng 151% so với giai đoạn 1978-1997. Những thách thức gần đây như cháy rừng ở miền Tây nước Mỹ và rừng nhiệt đới Amazon, lũ lụt do gió mùa ở Ấn Độ, bão Dorian ở Bahamas, hạn hán ở Iraq và bão Idai ở phía Đông Nam Phi là một vài ví dụ cho thấy sự gia tăng liên tục của các thảm họa liên quan đến khí hậu khắp thế giới.

Tin cùng chuyên mục