Ngay tháng 11-2018, TPHCM chính thức đánh giá và trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức

Đó là thông tin được Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm công bố vào sáng 9-11, trong buổi UBND TPHCM triển khai các Quyết định về đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là công chức); về phân cấp, ủy quyền. Dự toán nguồn chi thu nhập tăng thêm năm 2018 của các cấp ở TP là hơn 3.200 tỷ đồng, năm 2019 là khoảng 7.236 tỷ đồng.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Công chức làm tốt, xuất sắc mới được tăng thu nhập

Trình bày Quy định đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với công chức, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm cho hay, ngay trong tháng 11-2018, các đơn vị triển khai đánh giá và chi thu nhập tăng thêm của quý 2, quý 3-2018 cho công chức (HĐND TPHCM đã quyết định công chức được hưởng thu nhập tăng thêm từ ngày 1-4-2018). Cuối năm 2018, đầu năm 2019, các đơn vị sẽ đánh giá, chi thu nhập tăng thêm của quý 4-2018.

Giám đốc Sở Nội vụ TP cho biết, đánh giá công chức không phải là việc mới, nhưng đánh giá hàng quý lại là việc mới. Mục đích của việc đánh giá công chức là siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đặc biệt, kết quả đánh giá hàng quý là căn cứ để thực hiện chính sách tăng thu nhập hàng quý đối với chính công chức; là căn cứ đánh giá thi đua; là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng công chức.

Yêu cầu của UBND TPHCM khi đánh giá công chức là các cơ quan, địa phương, đơn vị phải thực hiện dân chủ, chính xác, khách quan, công bằng, không mang tính hình thức, nể nang, trù dập hay thiên vị; phải đánh giá đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng công chức gắn với kết quả công tác.

Ngay tháng 11-2018, TPHCM chính thức đánh giá và trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức ảnh 1 Hội nghị triển khai thực hiện đề án ủy quyền và đề án thu nhập tăng thêm của UBND TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Kết quả hoàn thành nhiệm vụ là thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại công chức. Riêng với công chức là lãnh đạo, phải dựa vào kết quả hoạt động của chính đơn vị đó; và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu không được cao hơn mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Về thẩm quyền đánh giá, phân loại công chức, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM nêu rõ, người đứng đầu trực tiếp đánh giá, phân loại đối với cấp phó và công chức thuộc quyền quản lý của mình. Còn đánh giá người đứng đầu đơn vị sẽ do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.

Việc đánh giá thực hiện từ ngày 25 đến ngày 30 tháng cuối quý, trải qua 3 bước: công chức tự đánh giá, đồng nghiệp góp ý kiến, và cấp trên hoặc người có thẩm quyền đánh giá.

Theo quy định, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm được điều chỉnh theo lộ trình: năm 2018 tăng tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ; năm 2019 tăng tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa là 1,8 lần.

Đồng chí Trương Văn Lắm khẳng định, chỉ chi thu nhập tăng thêm trong quý đối với công chức hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, người làm xuất sắc được hưởng mức tối đa như trên, người làm tốt nhiệm vụ được hưởng 80% của người làm xuất sắc.

“Chi thu nhập tăng thêm là mong muốn của TPHCM, đã được Quốc hội cho phép. Đến nay, TP đủ điều kiện để thực hiện nên phải khẩn trương thực hiện”, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Trương Văn Lắm thông báo.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho hay, Sở đã dự toán nguồn chi thu nhập tăng thêm năm 2018 của các cấp ở TP là hơn 3.200 tỷ đồng, năm 2019 là khoảng 7.236 tỷ đồng.

Mục đích cuối cùng là phục vụ người dân và doanh nghiệp hài lòng hơn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc chi thu nhập tăng thêm cho công chức gắn với hiệu quả công việc có tác động cuối cùng là làm cho người dân hài lòng hơn, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, TPHCM phát triển hơn.

Thống kê hiện nay, mỗi công chức TPHCM đang phục vụ 700 người dân, cao gấp hai lần cả nước; năng suất lao động của TPHCM gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước. Đây là cơ sở để thực hiện thu nhập tăng thêm cho công chức.

Ngay tháng 11-2018, TPHCM chính thức đánh giá và trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức ảnh 2Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện đề án ủy quyền và đề án thu nhập tăng thêm của UBND TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, khi triển khai đánh giá, phân loại công chức để chi thu nhập tăng thêm, phải gắn với đợt thi đua về các giải pháp, sáng kiến cải cách hành chính trong 3 tháng cuối năm 2018. Theo đó, ai có sáng kiến gì, cần được ghi nhận để đánh giá, chi thu nhập tăng thêm tương xứng.  

Liên quan đến việc UBND TPHCM ủy quyền cho các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện một số, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TPHCM (gồm 59 công việc); Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho thủ trưởng sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM (27 đầu việc). Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, đây là ủy quyền rất mạnh mẽ.

Mục đích ủy quyền để giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện sẽ có quyết định phù hợp, gần gũi, sâu sát với người dân ở các lĩnh vực: từ thu hồi đất, đền bù tái định cư, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, đến phê duyệt mức thu của trường tiên tiến theo xu thế hội nhập và quốc tế, hay các nội dung kinh doanh…

Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý tình trạng thời gian qua, có lúc, có nơi ở TPHCM, chính quyền một số cấp đã có những quyết định không đúng luật, bây giờ phải xử lý trách nhiệm nên tâm lý anh em rất thận trọng.

Từ đó, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các đơn vị, thủ trưởng đơn vị nhận ủy quyền phải vừa thận trọng, vừa quyết liệt sâu sát người dân, có quyết định chính xác hơn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Do việc ủy quyền liên quan đến nhiều công việc mới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu khi cấp dưới thực hiện, thì cấp trên cần có sự hướng dẫn đầy đủ.

Ngay tháng 11-2018, TPHCM chính thức đánh giá và trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức ảnh 3 Các cơ quan chức năng tham dự hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các cơ quan, đơn vị nên chủ động hình thành sổ tay hướng dẫn về thực hiện ủy quyền tại quận, huyện mình. Từng lĩnh vực cụ thể như thế nào, các quy trình tiến hành việc được ủy quyền ra sao, cần chỉ rõ để mỗi công chức đụng vào phân cấp, ủy quyền đều nắm được, áp dụng.     

Với những vấn đề khó khăn, các quận, huyện trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM; các nội dung trao đổi cần đăng tải trên Báo SGGP (qua mục hỏi – đáp) và trên Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM giúp các quận, huyện khác cùng nắm được ngay vấn đề, học hỏi áp dụng.

Các đơn vị có kinh nghiệm hay cần giới thiệu trên Báo SGGP để các đơn vị và đông đảo người dân được biết.

Để công việc của dân không bị ách tắc, nếu cần thiết, các đơn vị, quận huyện có thể tổ chức làm thêm giờ (mỗi ngày làm thêm 1 tiếng, hoặc làm thêm thứ bảy), xử lý ngay công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với hai nhóm vấn đề về ủy quyền và đánh giá công chức, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cả hai đều tác động trực tiếp đến công chức, giúp đội ngũ công chức có động lực làm việc tốt hơn và cuối cùng là phục vụ dân tốt hơn, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Nguồn trả thu nhập tăng thêm cho công chức từ đâu?

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, đối với đơn vị dự toán, nguồn kinh phí thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm tại từng đơn vị là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo quy định hiện hành (sau khi đã thực hiện chi trả chính sách tăng lương theo lộ trình của Chính phủ hàng năm; chi trả chính sách tinh giản biên chế).

Nguồn kinh phí được sử dụng theo trình tự: nguồn cải cách tiền lương của đơn vị từ năm trước chuyển sang; nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ ngân sách; nguồn cải cách tiền lương được trích lập từ nguồn thu được để lại hàng năm theo quy định (giai đoạn 2018-2020, các cơ quan, đơn vị thực hiện tỷ lệ trích lập là 40%, riêng lĩnh vực y tế là 35%).

Đối với cấp phường, xã, thị trấn, là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm trước sử dụng hết chuyển sang năm sau của cấp ngân sách phường, xã, thị trấn; nguồn cải cách tiền lương 10% chi thường xuyên từ ngân sách; nguồn 50% tăng thu ngân sách phường, xã, thị trấn dự toán năm hiện hành so với dự toán năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.

Đối với cấp quận, huyện, là nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết chuyển sang của cấp ngân sách quận, huyện; nguồn 50% tăng thu ngân sách quận, huyện (không kể tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm hiện hành so với dự toán năm đầu thời kỳ ổn định chính sách.

Tiêu chí đánh giá, phân loại công chức (thang điểm 100)

- Tiêu chí đánh giá về ý thức tổ chức kỷ luật, phẩm chất đạo đức (tối đa 20 điểm)

Nhóm tiêu chí

Điểm tối đa

Không vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

10

Thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố được ban hành kèm theo Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố.

10

-  Tiêu chí đánh giá về năng lực và kỹ năng (tối đa 30 điểm)

Trong đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý:

Nhóm tiêu chí

Điểm tối đa

Chỉ đạo, điều hành, kiểm soát việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị/bộ phận đảm bảo kịp thời, không bỏ sót nhiệm vụ. Giải quyết công việc đúng quy trình, quy định

10

Có năng lực tập hợp cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng đơn vị/bộ phận đoàn kết, thống nhất. Phối hợp, tạo lập mối quan hệ tốt với cá nhân, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.

10

Hoàn thành nhiệm vụ vượt tiến độ, có chất lượng và hiệu quả; Sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công việc.

10

 Đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

Nhóm tiêu chí

Điểm tối đa

Chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời các kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ để tham mưu, tổ chức thực hiện công việc có chất lượng.

10

Báo cáo kịp thời, chính xác với lãnh đạo về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Phối hợp, tạo lập mối quan hệ tốt với cá nhân, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ động đề xuất tham mưu giải quyết công việc.

10

Hoàn thành nhiệm vụ vượt tiến độ, có chất lượng và hiệu quả; Sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả công việc.

10

-  Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tối đa 50 điểm)

Thực hiện nhiệm vụ được giao
đảm bảo tiến độ và chất lượng

Điểm tối đa

Hoàn thành từ 90% đến 100% công việc

50

Hoàn thành từ 80% đến dưới 90% công việc

45

Hoàn thành từ 70% đến dưới 80% công việc

40

Hoàn thành từ 60% đến dưới 70% công việc

30

Hoàn thành từ 50% đến dưới 60% công việc

25

Hoàn thành dưới 50%

0


Về phân loại:

Tổng điểm đạt được

Phân loại

Từ 80 đến 100

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Từ 65 đến dưới 80

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Từ 50 đến dưới 65

Hoàn thành nhiệm vụ (hoặc hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực)

Dưới 50 điểm

Không hoàn thành nhiệm vụ

Tin cùng chuyên mục